Nghịch lý ở Anh: Số ca tử vong cao nhất châu Âu nhưng bệnh viện dã chiến thì bỏ không lãng phí

ANTD.VN - Bắt đầu từ tuần tới, Bệnh viện dã chiến Nightingale ở London sẽ ngừng tiếp nhận bệnh nhân mới trong khi thực tế họ đã không còn bệnh nhân nào. Dù được giới chính trị gia và y tế của Anh hết sức kỳ vọng nhưng bệnh viện dã chiến là phương án thất bại và lãng phí trong bối cảnh Anh đang là nước có số ca tử vong vì dịch Covid-19 cao nhất châu Âu.

Bệnh viện Nightingale đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Matt Hancock gửi gắm kỳ vọng. Đặt tại trung tâm triển lãm ExCeL London, bệnh viện dã chiến có 500 giường, nếu cần thiết có thể mở rộng thành 4.000-5.000 giường

Nhờ sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang và đội ngũ kiến trúc sư, bệnh viện Nightingale đã chính thức khai trương vào ngày 3-4 và đón bệnh nhân đầu tiên vào 7-4

Ai cũng hy vọng đây sẽ là kỳ tích đáng kinh ngạc nhưng ngược lại, nó lại chứng tỏ rằng bệnh viện dã chiến ở Anh là không thực sự cần thiết.

Trước khi dịch bệnh ở Anh bùng phát, London có khoảng 770 giường chăm sóc đặc biệt trên tất cả các bệnh viện. Đến 12-4, họ có 1.555 giường bệnh loại này, hoạt động khoảng 80% công suất.

Đáng nói, dù Nightingale có rất nhiều giường bệnh và máy thở, nhưng họ lại không có đủ máy móc khác hỗ trợ như máy lọc thận và quan trọng nhất là không đủ nhân viên y tế. Các bệnh viện khác dường như không muốn “nhả” nhân viên có kinh nghiệm giữa lúc đại dịch

Bởi vậy, bệnh viện dã chiến Nightingale không thể tiếp nhận bệnh nhân yếu, trở thành nơi điều trị cho những người tương đối trẻ và khỏe mạnh. Hơn nữa, quá trình chuyển bệnh nhân nặng cũng cần có nhân viên cứu thương có kinh nghiệm nhưng rất khó tìm được người

Qua thống kê, bệnh viện dã chiến ở London chưa bao giờ có quá 60 bệnh nhân chữa trị cùng. Tuần trước, khi thông báo đóng cửa được công bố, một người phụ trách phải thừa nhận đây chỉ là cơ sở để hỗ trợ các bệnh viện địa phương

Tờ Daily Mail đưa tin, hôm 25-4, bệnh nhân đầu tiên rời khỏi bệnh viện nhưng thực chất họ bị nặng hơn và được chuyển đến một bệnh viện khác để điều trị.

Đây có thể gọi là một giải pháp thử nghiệm cho London, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 ở Vương quốc Anh. Nhưng điều kỳ lạ là, không chờ xem hiệu quả của Nightingale đến đâu, nhiều địa phương khác cũng rầm rộ xây dựng bệnh viện dã chiến

Và kết quả cũng gần tương tự, các bệnh viện dã chiến khác chỉ dành để phục hồi bệnh nhân nhưng ở Birmingham thì chưa từng tiếp nhận bệnh nhân nào cả, còn ở Sunderland hay Exeter chưa từng đi vào hoạt động.

Cũng cần nhắc lại, vào tháng 3-2020, nước Anh rơi vào tình trạng quá tải dịch vụ y tế do dịch bệnh bùng phát. Người ta không thể đoán được có bao nhiêu bệnh nhân sẽ cần được chăm sóc tích cực.

Tuy nhiên, bài học rút ra ở Anh là quan niệm cứng nhắc khi ứng phó với đại dịch. Máy thở chưa phải là tất cả. Một khu triển lãm đầy giường bệnh và máy thở, nhưng thực trạng không dễ dàng tiếp cận các yếu tố chăm sóc quan trọng khác sẽ khó hiệu quả

Diễn tiến của dịch bệnh được Đại học Oxford dự báo cho thấy, các ca nhiễm virus corona mới ở Anh lên đến đỉnh điểm vào ngày 16-3 và số ca tử vong sẽ lên mức cao nhất vào ngày 8-4. Việc lập bệnh viện dã chiến trong thời điểm các ca bệnh bắt đầu đi xuống được coi là sự phản ứng quá mức

Trong thời điểm dịch vụ y tế được cho là luôn thiếu tài nguyên, các bệnh viện dã chiến ở Anh bỏ không có vẻ là một sự lãng phí đáng kinh ngạc.

Hiện Anh đang có số ca tử vong liên quan đến dịch Covid-19 cao nhất ở châu Âu, với 31.587 người, tính đến ngày 9-5. Tổng số ca mắc bệnh ở Anh đang là hơn 200.000  người, cao thứ 3 châu Âu và thứ 4 trên thế giới.