- Samsung lên tiếng về vụ sập giàn giáo tại Formusa
- Kết thúc cứu hộ vụ sập giàn giáo: 13 người tử vong, 28 người bị thương
- Vụ tai nạn ở Formosa (Hà Tĩnh): Huy động mọi nguồn lực, phương tiện cứu hộ người mắc kẹt
Tại họa bất ngờ
Tối ngày 25-3, một vụ tai nạn lao động sập giàn giáo xảy ra ở công trình đập chắn sóng của nhà thầu chính Sam Sung, Hàn Quốc, công trường Formosa, khu công nghiệp Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh làm 13 người tử vong và 28 người bị thương. Trong đó, các nạn nhân thiệt mạng hầu hết ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Ở huyện Diễn Châu, Nghệ An có 3 công nhân thiệt mạng là anh Lê Hữu Chính, Phạm Xuân Hùng và anh Lê Quốc Hưng. Sáng ngày 26-3, thi thể của những người xấu số được đưa về quê làm thủ tục mai táng.
Mới 5h sáng, chiếc quan tài chở thi thể anh Phạm Xuân Hùng (SN 1986) trú tại xóm 6, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An về đến nhà. Tiếng khóc, tiếng gào gọi tên con vang lên. Hàng xóm láng giềng có mặt mỗi người chung tay lo việc tiễn người đã khuất về nơi ai nghỉ.
Vợ con anh Hùng ngã quỵ sau cái chết của người chồng trẻ
Bên chiếc quan tài cạnh ban thờ mới lập của chồng, chị Hứa Thị Hạnh (SN 1990) ngất lên ngất xuống. Được biết, anh Hùng nên duyên vợ chồng với chị Hạnh cách đây 5 năm. Không lâu sau đó, vợ chồng anh chị đón đứa con đầu lòng là cháu Phạm Tiến Đạt. Mới đây, niềm hạnh phúc nhân đôi khi chị Hạnh sinh thêm cháu Phạm Nhã Uyên (18 tháng tuổi).
Ông Tân (bố anh Hùng) sững sờ trước sự ra đi đột ngột của con trai
Ông Phạm Văn Tân (SN 1951) nghẹn ngào giãi bày: “Nó mới theo bạn bè đi làm bên đó từ bữa ra tết đến nay. Cứ tưởng con có công việc ổn định thì vợ con được nhờ. Thật không ngờ cháu lại ra đi như vậy. Nhìn hai đứa cháu mất cha khi tuổi còn quá bé mà tôi không cầm được nước mắt. Ông trời sao bất công quá như vậy, sao họ nỡ để tôi chứng kiến cảnh tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh như thế này. Sao ông trời không để tôi đi thay con tôi chứ”.
Anh Hùng là con thứ 3 trong gia đình. Trước đây anh Hùng đi làm ăn xa. Mới đợt tết về quê, thấy bạn bè anh em rủ vào làm việc ở khu công nghiệp Vũng Áng nên anh cũng đi theo. Chồng ổn định công việc chị Hạnh chưa kịp mừng thì đã gặp đại họa như hôm nay.
Cùng hoàn cảnh với gia đình anh Hùng là gia đình anh Lâm Hữu Chính (SN 1978) trú tại xóm 7, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Anh Chính cũng là 1 trong những nạn nhân tử vong do vụ sập giàn giáo. Căn nhà nhỏ giữa làng của gia đình anh Chính đông hơn thường lệ. 9h sáng chiếc xe chở quan tài về đến nhà.
Vợ con anh Chính khóc ngất bên quan tài chồng
Chị Chu Thị Kiều (SN 1979) vợ anh Chính khóc ngất. Người phụ nữ này không tự bước đi được mà cần phải người dìu. Cạnh bên, lít nhít hai đứa con nhỏ bám tay mẹ giương đôi mắt ngây thơ như không hiểu chuyện gì xảy ra.
Anh Lâm Hữu Chiến (SN 1981) em trai anh Chính cho biết: “Anh Chính làm việc cho dự án của công ty Sam Sung từ năm 2014 đến nay. Công việc tuy vất vả nhưng mỗi tháng cũng kiếm được 10 triệu. Sau khi anh Chính vào làm việc ổn định thì đưa thêm 4 người anh em cùng vào làm việc trong đó. Cùng làm một tổ nhưng 3 người anh em mới về quê nghỉ phép nên lúc anh Chính gặp nạn chỉ có anh Cao Thanh Long (SN 1983) đưa đi cấp cứu rồi báo tin về cho gia đình”.
Nghẹn ngào những người vợ, người mẹ bên quan tài chồng, con
Nhận được tin báo, người thân nhanh chóng bắt xe vào với anh Chính. Khi hay tin anh mất, cả nhà lặng lẽ chuẩn bị đưa thi thể anh về quê. Chồng đi làm ăn xa, chị Kiều ở nhà làm ruộng và làm công nhân may mặc ở xã Diễn Hồng. Việc nhà, chăm con và nuôi mẹ già đều được người vợ này chu toàn. Hay tin chồng tử nạn, chị Kiều ngất đi. Lúc tỉnh lại, chị luôn miệng hỏi thăm xem có phải người ta nhầm lẫn gì không.
3 mẹ con chị Kiều không tin nổi đây là sự thật
Chiếc quan tài của chồng được đưa xuống, hi vọng của chị như sụp đổ. Chị không gượng nổi mình để đứng lên. Cạnh đó hai cháu nhỏ Lâm Thị Yến Nhi (SN 2008) và cháu Lâm Minh Nhật (SN 2010) ngoan ngoãn nằm trong tay người thân của mình. Nhìn mẹ khóc, hai cháu cũng òa lên khóc theo nhưng dương như sự ngây thơ khiến hai đứa trẻ này chưa hiểu mình đang mất đi người cha của mình.
“Anh ơi, sao anh nỡ bỏ mẹ con em mà đi như vậy hả anh. Anh đi rồi, làm sao mà em sống được. Lấy ai nuôi con bây giờ hả anh. Anh về đi, về với em, về với con đi. Mẹ con em không cần anh đi làm nữa đâu anh ơi”, tiếng khóc hờ gọi chồng của chị Kiều khiến dòng người đến thắp hương không cầm được nước mắt.
Thông thường, mỗi ca làm việc của anh Chính sẽ bắt đầu từ 19h tối ngày hôm nay đến 7h sáng hôm sau. “Sao anh đi nhanh vậy, trước khi vào làm việc anh còn gọi về cho mẹ con em. Anh dặn dò em chăm mẹ, chăm con mà anh. Sao giờ anh nằm im đó như vậy, anh đừng bỏ mẹ con em mà đi anh ơi, về đi anh ơi”, tiếng chị Kiều nấc lên gọi chồng trong vô vọng.
Lần lượt, chiếc quan tài của anh Hùng và anh Chính được đưa về nơi ai nghỉ. Chị Hạnh, chị Kiều vật vã bấu víu bên chiếc quan tài người chồng xấu số khiến nhiều người rơi lệ.
Ông Trương Công Sửu – Trưởng phòng Lao động thương binh và xã hội huyện Diễn Châu cho biết, hiện phòng cùng với chính quyền các địa phương có nạn nhân thương vong trong vụ sập giàn giáo ở công trường Formosa sẽ đến động viên, chia sẻ giúp các gia đình sớm vượt qua đau thương, mất mát.
Cũng trong ngày, gia đình anh Trần Anh Hoàn (SN 1987) trú tại Xuân Phổ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh đau đớn đón thi thể anh về với người thân. Được biết, anh Hoàn là con trai cả trong gia đình có 3 người con. Tốt nghiệp cấp 3, anh Hoàn vào TP.HCM học ngành điện. Năm 2010, anh Hoàn tốt nghiệp và về TP. Vinh làm việc.
Đến năm 2012, chàng thanh niên này bắt đầu vào làm việc cho khu công nghiệp Vũng Áng cho đến nay. Dù làm việc gần nhà nhưng anh Hoàn cũng ít khi có thời gian nghỉ về. Từ tết đến nay, chàng trai này chưa một lần về thăm nhà. Nhận thi thể con, ông Trần Văn Chất (SN 1958) bố anh Hoàn như chết lặng. Ông thầm trách ông trời sao nỡ bắt đi đứa con ngoan, hiền, ham học của ông.
Bà Trần Thị Hoa vật vã đón quan tài con trai trở về
Chiếc xe chở quan tài về đến cổng, bà Trần Thị Hoa (SN 1961) mẹ nạn nhân không ngồi vững phải có hai người dìu từ trong giường sau mấy lần ngất xỉu. Bà vịn tay vào chiếc quan tài con trai nằm trong và gào tên con: “Hoàn ơi, con về với mẹ đi con, con đi mô thì đi đừng bỏ bố mẹ. Con nói cuối năm ni cưới vợ, sinh con cho bố mẹ bồng bế mà răng con nằm im không dậy nói chuyện với mẹ…”.
Đông đảo người dân đến chia buồn với gia đình nạn nhân
Trời về chiều, những cơn mưa càng nặng hạt, đau thương, mất mát như len lỏi trong những ngôi nhà này. Vì mưu sinh, người chồng, người cha của họ đã ra đi không biết mai này những người phụ nữ góa chồng, những đứa trẻ sớm mồ côi cha sẽ có tương lai như thế nào.