Ngày Người cao tuổi Việt Nam 1-10: Cô đơn trong xã hội hiện đại

ANTĐ - Dân số Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa, gần 9 triệu người già đang phải trông cậy vào con cháu. Tuy nhiên, tỷ lệ người già cô đơn, không thể dựa dẫm vào con cháu cũng đang gia tăng. 

Người già không chỉ cần báo hiếu mà còn mong được tạo điều kiện làm những điều mình thích

Người già mồ côi

Trước đây, hai vợ chồng bà Lê Thị Túy ( 77 tuổi, Tống Duy Tân, Hà Nội) có hai con trai. Ông bà không thích sống chung với con cháu mà ở riêng, tự chăm sóc nhau, thi thoảng con cháu mới tụ tập về thăm. Tuy nhiên, cách đây 3 tháng, chồng bà bị tai biến rồi ra đi đột ngột. Qua cơn tang gia bối rối, bà Túy mới ngấm nỗi cô đơn tuổi già. Tuy nhiên, bà nhất định không chịu về ở cùng gia đình con trai. “Hai vợ chồng sống với nhau, thích ăn gì thì làm một nồi nhỏ, muốn xem ti vi thì mở kênh mình thích, rảnh thì qua nhà bạn bè chơi hoặc mời bạn bè đến nhà mình hàn huyên. Thi thoảng đến nhà con trai chơi 1-2 ngày đã không chịu nổi, vì chúng ăn uống kiểu khác, xem ti vi cũng thích các kênh ca nhạc, kênh phim ảnh hiện đại. Cả ngày chỉ ăn với các con cháu 1 bữa cơm, sau đó đứa nào về phòng đứa nấy. Về nhà con thì bạn bè cũng làm sao mà đến chơi được” - bà Túy tâm sự. Vì thế, bà quyết định sống một mình trong gian nhà vắng. Đến lúc ốm yếu quá, không tự chăm sóc được thì tính sau. 

Ông Lê Văn Thịnh (91 tuổi, Long Biên) sinh được 7 người con, trai gái đủ cả. Các con ông đều trưởng thành, có gia đình đề huề. Sau khi vợ mất, ông bán ngôi nhà và 500m2 đất chia cho 7 con. Con trai cả ông cho nhiều hơn vì phải phụng dưỡng bố mẹ và chăm lo bàn thờ tổ tiên, con trai nhiều hơn con gái 1 chút vì con gái ăn lộc nhà chồng, con nào có nhà thì ông cũng cho ít hơn đứa chưa có. Ông nghĩ như thế là công bằng. Ông chắc rằng đã sống hết lòng vì con cái. Ông yên tâm ở lại gia đình con trai cả vì cho nó phần nhiều nhất. 

Nhưng ông sống trong ghẻ lạnh của cả con trai lẫn con dâu. Mỗi ngày, chúng chỉ nấu duy nhất một bữa cơm chiều, bỏ mặc ông ở nhà với một thùng mì tôm. Đến bữa ăn cũng không thèm nhìn ông Thịnh, đứa ôm ipad, đứa dùng điện thoại. Thế là ông bực bội, gọi con trai, con dâu ra mắng chửi, bảo rằng nếu bất hiếu thế thì ông sẽ đòi lại nhà, lại tiền, để cho đứa khác phụng dưỡng ông. Con trai cả cười khẩy, mang “sổ đỏ” ra chìa vào mặt ông bảo: “Ông xem ở đây có tên ông thì ông hẵng đòi. Còn là phận ở nhờ thì ông nên biết điều”. 

Ông tức khí, sang nhà con trai thứ ở, con trai thứ lại quầy quậy: “Bố cho ai nhiều tiền hơn thì người đó phải có trách nhiệm nuôi bố”. Con gái cũng bảo: “Con ăn lộc nhà chồng, nên không nuôi được bố”. Ông không còn tiền, không còn nhà. Vì thế, giờ ông vẫn chịu phận ở nhờ con trai, chan cơm bằng nước mắt.  

Cần sự thấu hiểu

Theo điều tra quốc gia về người cao tuổi (NCT) Việt Nam năm 2011, mô hình gia đình Việt Nam đang thay đổi chóng mặt, nếu năm 1993 có tới 80% NCT sống với con cái thì năm 2010, tỷ lệ này chỉ còn 57,2%. Tỷ lệ NCT sống cô đơn cũng tăng từ 3,47% (năm 1993) lên 6,8% (năm 2010). Tương tự, tỷ lệ NCT sống với vợ (chồng) tăng từ 9,48 lên 24,84%. Đặc biệt, tỷ lệ NCT chỉ sống với cháu cũng tăng cao từ 0,68% lên 2,68%. 

Thậm chí, ngay cả khi sống cùng với con cháu, NCT vẫn chịu cảnh cô đơn, “mồ côi” một mình, không được chăm sóc, thậm chí bị đe dọa, đánh đập, có đến 30% NCT được hỏi cho biết khi buồn không biết chia sẻ với ai, 11% bị nói nặng lời, 4% bị từ chối nói chuyện và 1,6% bị đánh đập, đe dọa. Và càng cao tuổi thì tỷ lệ người già cô đơn, bị nói nặng lời, đánh đập càng tăng cao. 

Theo bà Lê Thị Túy: “Cha mẹ cũng phải biết chấp nhận tuổi già, thay đổi quan niệm “già cậy con” theo kiểu bắt con bên cạnh, hầu hạ, dạ vâng. Nếu mình “ngứa mắt” với lối sống của các con thì cũng nên thông cảm, rộng lượng và tìm cách sống độc lập để khỏi vướng bận con cháu mà mình cũng thanh thản tuổi già. Đến lúc yếu quá, không thể tự lo cho bản thân mới nên lụy con. Nếu cứ quẩn quanh lo cho cha mẹ già thì các con có thể mất cơ hội thăng tiến và không còn thời gian chăm sóc cháu nhỏ, chăm sóc bản thân. Và vào trung tâm dưỡng lão cũng là một lựa chọn cho các cụ có điều kiện kinh tế” – bà Lê Thị Túy cho biết. 

Nhiều người trẻ đang lạm dụng cha mẹ

“Con cháu vẫn tìm nhiều cách để “tận dụng” sức lao động của cha mẹ, khiến họ còn bận rộn, mệt mỏi hơn là đi làm như: thay osin trông con, cơm nước, thay người làm trông cửa hàng, làm bảo vệ... Nhiều người trẻ cho rằng như thế là yêu thương, là “tạo việc làm” để các cụ đỡ buồn chán nhưng thực chất đang lạm dụng cha mẹ...”.

Ông Đặng Vũ Cảnh Linh (Phó Viện trưởng Viện NC truyền thống và phát triển)