Ngày nào cũng rung chuông

ANTĐ - Có lẽ lần đầu tiên trên thế giới, nước ta tổ chức lễ cầu siêu tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông.

- Lẽ ra phải làm lễ từ lâu rồi. Ước tính trong 10 năm nay, cả nước ta có khoảng 120.000 người thiệt mạng vì TNGT, tương đương với khoảng 120.000 gia đình chịu cảnh tang tóc. Nghĩa là một năm có tới 12.000 người chết oan ức, chết thảm thương, hơn cả bom đạn, động đất, sóng thần, lũ lụt.

- Thôi thế cũng phần nào mát mẻ cho những vong hồn, cô hồn oan khuất. Nghe đâu, các hoạt động hưởng ứng lễ tưởng niệm sẽ diễn ra tại 63 tỉnh, thành. Đúng vào lễ cầu siêu tại Học viện Phật giáo Việt Nam, 500 nhà sư sẽ tụng kinh, thỉnh chuông.

- Chuông nguyện hồn những người đã khuất, liệu có động lòng, rung tâm, cảnh tỉnh những người đang sống? Hay từng tiếng chuông trầm lặng rồi sẽ rơi vào thinh không, tan loãng giữa làn sương thu mờ mịt?

- Có chứ! Chết đâu phải là hết. Những người mất mạng vì TNGT sẽ “đánh thức” những người sống coi mạng mình và mạng người khác như… không có. Vì thế, suốt dọc Quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau sẽ phát đi thông điệp: Không vượt đèn đỏ, lấn làn, và không uống rượu bia khi tham gia giao thông.

- Thông điệp thì đã phát đi từ lâu rồi, ấy thế mà con đường cao tốc trên cao mới tinh ở Hà Nội đã có ối người nhắm mắt lao vào, mất mạng như chơi.

- Chính vì thế nên năm nào cũng cần làm lễ cầu siêu, ngày nào cũng phải rung chuông liên hồi, chuông cấp báo cho… người sống, nhất là người lớn liều mạng.

- Ngay cả trẻ con cũng phải được nghe tiếng chuông ấy. Vì thế, đúng vào buổi sáng lễ cầu siêu, học sinh các trường tiểu học và trung học sẽ được nghe thông điệp và dành một phút tưởng niệm các nạn nhân TNGT.