Ngành bán lẻ Mỹ trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế

(ANTĐ) - Các cửa hàng tại Mỹ đang đối mặt với một làn sóng đóng cửa, phá sản và bị thâu tóm hàng loạt trong thời gian tới, do doanh số bán hàng mùa mua sắm cuối năm sụt giảm thảm hại, tồi tệ nhất trong 40 năm qua.

Ngành bán lẻ Mỹ trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế

(ANTĐ) - Các cửa hàng tại Mỹ đang đối mặt với một làn sóng đóng cửa, phá sản và bị thâu tóm hàng loạt trong thời gian tới, do doanh số bán hàng mùa mua sắm cuối năm sụt giảm thảm hại, tồi tệ nhất trong 40 năm qua.

Nguy cơ đóng cửa hàng loạt

Theo Hội đồng quốc tế các trung tâm mua sắm, các nhà bán lẻ Mỹ có thể phải đóng cửa 73.000 cửa hàng trong nửa đầu năm 2009. Trong đó, nhiều chuỗi bán lẻ hàng đầu của nước này như Talbots Inc., Sears Holdings Corp. sẽ phải tính toán đến việc ngưng hoạt động các cửa hàng đạt doanh số thấp. Trong năm 2008 đã chứng kiến hàng chục hãng bán lẻ Mỹ như Circuit City Stores Inc., Linens ’n Things Inc., Sharper Image Corp., và Steve&Barry’s LLC nộp đơn xin bảo lãnh phá sản do thị trường tín dụng đóng băng và sự suy thoái của nền kinh tế dẫn đến doanh số bán hàng sụt giảm nghiêm trọng.

Theo ông Burt Flickinger - Giám đốc điều hành Công ty tư vấn bán lẻ Strategic Resource Group có trụ sở tại New York, cho biết, các nhà đầu tư sẽ chứng kiến hàng loạt các chuỗi bán lẻ nộp đơn xin bảo lãnh phá sản vào tháng 2 tới khi các bản báo cáo tài chính được công bố. Trong năm 2008 đã có 148.000 cửa hàng bán lẻ tại Mỹ phải đóng cửa, nhưng dự tính, sẽ có khoảng 2.000-3.000 cửa hàng khác sẽ phải đóng cửa chỉ trong tháng 3 và 4-2009 và sẽ có khoảng hơn 200.000 cửa hàng có thể phải ngưng hoạt động vào năm tới. Nếu vậy, đây là năm có số lượng cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa nhiều nhất trong vòng 40 năm qua, xảy ra tại hầu hết các lĩnh vực từ điện tử tới hàng may mặc.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Hội đồng quốc tế các trung tâm mua sắm, doanh số tại các cửa hàng bán lẻ đã hoạt động ít nhất 1 năm tại Mỹ đã sụt giảm ít nhất 2% trong tháng 11 và 12-2008, cao hơn mức dự báo trước đó 1%. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất về doanh số bán lẻ tại Mỹ kể từ năm 1969. Còn theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường SpendingPulse, trong 2 tháng cuối năm, người tiêu dùng Mỹ đã cắt giảm 20% chi tiêu vào các mặt hàng quần áo phụ nữ, hàng điện tử và đồ trang sức. Và thay cho việc mua các đồ xa xỉ, người tiêu dùng tập trung vào việc mua hàng từ các cửa hàng giảm giá và các đồ thiết yếu như thực phẩm và thuốc chữa bệnh.

Năm nay, ngoài việc lượng khách hàng đi tới các trung tâm mua sắm giảm, số khách hàng mua bán qua mạng cũng giảm đáng kể. Bất chấp các cửa hàng đưa ra những chiêu khuyến mãi cực kỳ hấp dẫn như giảm giá tới 70%, sức mua của người dân vẫn rất thấp. Số khách hàng tới các trung tâm mua sắm trước ngày lễ Giáng sinh giảm 24% so với năm ngoái.

Cơ hội sắp xếp lại thị trường bán lẻ?

Theo các nhà phân tích, các hãng bán lẻ Mỹ ngay bây giờ phải học cách thích nghi với các hình thức giảm giá. “Người tiêu dùng đang quen với việc được giảm giá và trong thời gian tới, các hãng bán lẻ sẽ rất khó quay về với việc bán hàng ở giá bình thường”. Liên đoàn các cửa hàng bán lẻ Mỹ đang thúc đẩy mở rộng biện pháp “Những ngày mua hàng không phải trả thuế” để khuyến khích dân chúng bỏ tiền đi mua sắm. Phó Chủ tịch Liên đoàn - ông Scott Krugman nhận định: “Thực hiện biện pháp này trên phạm vi toàn quốc có thể khiến người tiêu dùng mở rộng hầu bao của họ”.

Trong bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế Mỹ, không ít người tin rằng, việc một số hãng bán lẻ phá sản sẽ đem lại cho ngành này một tương lai tốt đẹp hơn. Ông Burt Flickinger nhận định: “Những năm 1990, nước Mỹ đã có diện tích bán lẻ nhiều gấp đôi so với nhu cầu thực tế của thị trường. Năm 2008, diện tích bán lẻ ở Mỹ vẫn nhiều gấp rưỡi so với nhu cầu. Nhờ các vụ phá sản, diện tích bán lẻ sẽ giảm về mức thực tế cần thiết của thị trường”.

Hoàng Cường

Theo Bloomberg, Financial Times, VOA