Ngân hàng Nhà nước “thúc” các nhà băng đẩy tăng trưởng tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây. Do đó, NHNN yêu cầu các TCTD đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm 2024.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành công văn số 1088/NHNN- CSTT về việc tăng trưởng tín dụng năm 2024 gửi các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD).

Công văn nêu rõ, ngày 31/12/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thông báo, giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% cho các TCTD để các TCTD chủ động, quyết liệt tăng trưởng tín dụng và triển khai các giải pháp đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây. Do đó, NHNN yêu cầu các TCTD đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm 2024 theo các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thống đốc NHNN đề ra tại Chỉ thị 01 nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng tháng đầu năm 2024 thấp hơn so với các năm trước

Tăng trưởng tín dụng tháng đầu năm 2024 thấp hơn so với các năm trước

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các TCTD quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt qua các kênh bán hàng, sản phẩm, dịch vụ được số hóa.

Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là các nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân. Chủ động và tích cực truyền thông kịp thời, rõ ràng, đầy đủ, chính xác về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của TCTD để giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và qua đó góp phần thúc đẩy Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội để tổ chức trao đổi, đối thoại với khách hàng vay vốn nhằm nắm bắt và kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng có hiệu quả, thiết thực, thực chất, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.

Trước đó, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2023, huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng ở mức khá cao, tăng gần 13,5% so với cuối năm 2022.

Về tăng trưởng tín dụng, đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Ngân hàng Nhà nước đã chủ động có những cơ chế mới trong việc điều hành tín dụng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024.

Nếu như ngân hàng, tổ chức tín dụng nào đạt được chỉ tiêu mà vẫn có khả năng cung ứng thêm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm chất lượng cũng như an toàn hệ thống, bảo đảm điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép thì Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giao thêm hạn mức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế trong nước và quốc tế để chủ động dự báo tình hình và xây dựng các kịch bản điều hành chính sách tiền tệ phù hợp; trong đó có các phương án ứng phó với các biến động không thuận lợi, khó lường có thể xảy ra từ diễn biến kinh tế thế giới nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá trong nước và góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra.