Ngăn chặn, xử lý tham nhũng tiêu cực từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Ngày 02/02/2024, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Bộ Công an (Ban Chỉ đạo PCTN, TC, LP) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024. 

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì, phát biểu tại hội nghị

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì, phát biểu tại hội nghị

Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ trước phiên khai mạc hội nghị.
Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ trước phiên khai mạc hội nghị.

Dự Hội nghị có Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; đại diện Thanh tra Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương; các thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương...

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ: Năm 2023, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Ban Chỉ đạo PCTN, TC, LP Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương đã bám sát chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ kiểm soát quyền lực, PCTN, TC, LP trong Công an nhân dân (CAND); gương mẫu, đi đầu, sáng tạo, quyết liệt trong tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự, kiểm soát quyền lực, PCTN, TC, LP và xây dựng lực lượng CAND; tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong CAND và đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng.

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến từ điểm cầu Bộ Công an (thành phố Hà Nội) đến Công an 63 tỉnh, thành phố.
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến từ điểm cầu Bộ Công an (thành phố Hà Nội) đến Công an 63 tỉnh, thành phố.

Đổi mới phương pháp, phong cách lãnh đạo theo hướng tập trung, sâu sát, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, nói đi đôi với làm, phát huy vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp theo phương châm “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”; bảo vệ tốt chính trị nội bộ; kiên quyết từ chủ trương đến việc tổ chức thực hiện các biện pháp PCTN, TC; chủ động tự phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi TN, TC, LP trong từng đơn vị; lấy kết quả công tác kiểm soát quyền lực, PCTN, TC, LP là một trong những tiêu chí đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo, chỉ huy, thủ trưởng Công an các cấp.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ điều hành phần tham luận.

Lực lượng CAND là lực lượng đi đầu đóng vai trò quan trọng, đồng thời tạo động lực và truyền cảm hứng cho các bộ, ngành, địa phương trong cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đã triển khai với trách nhiệm cao, hiệu quả Đề án số 06; cấp 224/224 (đạt tỷ lệ 100%) dịch vụ công trực tuyến ngành Công an, hoàn thành 100% căn cước công dân gắn chíp, cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử; xây dựng 04 trung tâm dữ liệu lớn và đang khẩn trương xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia được Bộ Chính trị và Chính phủ giao (đây là điểm sáng của Bộ Công an trong đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ)… Bộ Công an cũng là một trong sáu bộ, ngành đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư; các thủ tục hành chính cơ bản đã được thực hiện trên môi trường mạng, người dân và doanh nghiệp hết sức phấn khởi và đồng tình ủng hộ, qua đó vừa tiết kiệm trong nội bộ vừa tiết kiệm cho nhân dân, cho xã hội...

Đội ngũ cán bộ được bố trí, sắp xếp, điều chỉnh phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ theo hướng tiếp tục tăng cường cho lực lượng chiến đấu, hướng về cơ sở, xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy… Siết chặt kỷ luật, kỷ cương và chấn chỉnh công tác quản lý cán bộ, nâng cao vai trò của lãnh đạo, chỉ huy, người đứng đầu đơn vị. Tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực nhằm chủ động phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng của cán bộ, chiến sĩ, có tác dụng tích cực trong phòng ngừa, giáo dục, răn đe…

Trung tướng Trần Đức Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Công an, Ủy viên Ban Chỉ đạo PCTN, TC, LP Bộ Công an trình bày báo cáo tại Hội nghị.
Trung tướng Trần Đức Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Công an, Ủy viên Ban Chỉ đạo PCTN, TC, LP Bộ Công an trình bày báo cáo tại Hội nghị.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua đó đã nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, đơn vị; trong năm 2023, Công an các đơn vị, địa phương đã tiết kiệm được kinh phí trên 173 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra các cấp trong CAND đã chủ động, kịp thời phát hiện, khởi tố, điều tra các vụ án tham nhũng đã góp phần ngăn chặn, răn đe, cảnh tỉnh các đối tượng, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, trục lợi; được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ và tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực với phương châm “Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, đưa công tác PCTN, TC trở thành phong trào, xu thế trong toàn xã hội. Các Cơ quan điều tra trong CAND đã thụ lý điều tra 1.284 vụ án, 3.334 bị can phạm tội về tham nhũng; thu hồi trên 1.500 tỷ đồng cùng nhiều tang vật có liên quan…

Tại hội nghị, dưới sự điều hành của Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ, các đại biểu đã tập trung tham luận những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, trật tự, kiểm soát quyền lực, PCTN, TC, LP và xây dựng lực lượng CAND; nâng cao hiệu quả công tác nhận diện, phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến tham luận tại Hội nghị để tham mưu cho Ban Chỉ đạo trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm soát quyền lực, PCTN, TC, LP trong năm 2024.

Về công tác PCTN, TC, LP trong nội bộ, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu phải được tiến hành đồng bộ, gắn liền với việc thực hiện 03 giải pháp trọng tâm “đột phá” và khẩu hiệu hành động của toàn lực lượng CAND năm 2024. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nâng cao chất lượng sinh hoạt của các cấp ủy trong CAND, thực hiện hiệu quả mô hình chi bộ “bốn tốt”, đảng bộ cơ sở “bốn tốt”; đề cao vai trò trách nhiệm và tính tiên phong, nêu gương của cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy; kiên quyết điều chuyển, thay thế lãnh đạo chỉ huy uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực ở đơn vị phụ trách…

Bộ trưởng Tô Lâm cũng yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả 4 Nghị quyết chuyên đề lớn của Đảng ủy Công an Trung ương. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực từ đầu, xử lý từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; vi phạm của cá nhân thành sai phạm của tổ chức, tập thể; khuyến khích tự thanh tra, kiểm tra, kết luận rõ ràng, chủ động xử lý nghiêm minh, báo cáo kết quả…

Về công tác đấu tranh, xử lý tội phạm về tham nhũng, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương bám sát, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC; chủ động nhận diện từ sớm, từ xa về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, tiêu cực; chọn những vấn đề nổi cộm, nhạy cảm, tiềm ẩn vi phạm để tập trung lực lượng đấu tranh một cách trọng tâm, trọng điểm…

Khởi tố 72 vụ - 300 bị can tham nhũng

Tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Hải Trung – Giám đốc CATP Hà Nội đã tham luận về những khó khăn, vướng mắc trong điều tra các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, bài học kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thời gian tới.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung – Giám đốc CATP Hà Nội tham luận tại hội nghị từ điểm cầu CATP

Trung tướng Nguyễn Hải Trung – Giám đốc CATP Hà Nội tham luận tại hội nghị từ điểm cầu CATP

Theo đồng chí Giám đốc CATP, trong năm 2023, CATP Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; qua đó đã khởi tố 72 vụ - 300 bị can tham nhũng (tăng hơn 200% so với năm 2022), số tài sản thất thoát, bị chiếm đoạt khoảng 127 tỷ đồng; thu hồi gần 45 tỷ đồng; trong đó, tập trung vào các tội: tham ô tài sản (21 vụ, 38 bị can), nhận hối lộ (26 vụ, 204 bị can) và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (12 vụ, 23 bị can).

Hội nghị tại điểm cầu CATP Hà Nội

Hội nghị tại điểm cầu CATP Hà Nội

Bên cạnh đó, Cơ quan điều tra CATP Hà Nội đã tiếp nhận, thụ lý 50 vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Thường vụ Thành uỷ, Ban chỉ đạo Thành uỷ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo và Ban Nội chính Thành uỷ theo dõi, đôn đốc.

Quá trình điều tra, CATP Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn số 25/HD-BCHTW hướng dẫn một số nội dung về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và Chỉ thị số 26/CT-BCHTW về điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc liên quan đến Đảng viên, vừa đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, vừa đảm bảo thực hiện các quy định của Đảng trong công tác điều tra, xử lý tội phạm.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung chia sẻ, qua thực tiễn công tác đấu tranh với tội phạm về tham nhũng, tiêu cực và thu hồi tài sản bị thất thoát, CATP Hà Nội rút ra một số kinh nghiệm:

Thứ nhất: Phải quán triệt sâu sắc, đầy đủ và có nhận thức đúng đắn về các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Chủ động bám sát các chủ trương, biện pháp chỉ đạo phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Thành ủy - UBND Thành phố về công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới để đề ra các Kế hoạch, biện pháp phòng, chống tham nhũng phù hợp với tình hình thực tiễn của Thành phố. Bên cạnh đó, xác định rõ vai trò của công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay, Đảng ủy, lãnh đạo CATP đã chỉ đạo thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng phòng, chống tham nhũng, đánh giá tính phù hợp để chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Bộ Công an, Thành ủy, UBND Thành phố kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả công tác.

Thứ hai: Coi trọng chỉ đạo kiện toàn về tổ chức, cán bộ của lực lượng trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng. Ban hành Nghị quyết của Đảng ủy CATP về tăng cường quản lý phòng ngừa CBCS sai phạm. Quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, bản lĩnh nghề nghiệp. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, để chủ động nhận diện các sai phạm trong công tác điều tra, làm cơ sở cho hoạt động chủ động phòng ngừa, tránh vi phạm, CATP Hà Nội đã ban hành Quyết định về danh mục các sai phạm và hình thức xử lý trong hoạt động điều tra.

Thứ ba: Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo, đài tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đưa tin, bài về các vụ án tham nhũng, chức vụ đã được phát hiện, làm rõ và những gương điển hình, tiên tiến nhằm tạo dư luận rộng rãi ủng hộ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, qua đó phát động phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng, chức vụ nói riêng.

Thứ tư: Làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động xác định rõ các đối tượng, địa bàn, lĩnh vực có nhiều dấu hiệu, tiềm ẩn tội phạm tham nhũng, chức vụ cần tập trung đấu tranh, trong đó tập trung vào các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm như: Tài chính, ngân hàng, đầu tư, liên doanh với nước ngoài; lĩnh vực xây dựng cơ bản, đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trọng điểm của thành phố...

Thứ năm, phải chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan trong công tác tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa: Trên cơ sở đánh giá các tài liệu, chứng cứ về các lợi ích và tài sản bất hợp pháp từ hoạt động phạm tội, nhanh chóng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước sớm tạm dừng, phong toả tài sản, tài khoản phục vụ công tác thu hồi tài sản, như: đề nghị các ngân hàng phong tỏa tài khoản, sổ tiết kiệm; đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng tiến hành phong tỏa, tạm dừng chuyển nhượng bất động đất...

Thứ sáu, đối với các vụ án tham nhũng phức tạp, nhạy cảm, Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP thường xuyên chỉ đạo sâu sát không để xảy ra sai sót, đáp ứng tốt các yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ. Đồng thời phải tranh thủ sự ủng hộ của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng các cấp và Nhân dân trong giải quyết các vụ án tham nhũng.

Trong tham luận, đồng chí Giám đốc CATP Hà Nội cũng đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cũng như kiến nghị, đề xuất với Bộ Công an để có giải pháp tháo gỡ, khắc phục, qua đó nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hết sức quan trọng này.