Ngăn chặn hoạt động nghe lén

ANTĐ - Trong nỗ lực lấy lại niềm tin của khách hàng, các “đại gia” công nghệ hàng đầu của Mỹ đã phát động chiến dịch kêu gọi chính quyền của Tổng thống B. Obama kiện toàn các đạo luật và thiết lập “một giới hạn đỏ” đối với hoạt động giám sát của tình báo nước này.

Một trung tâm thu thập thông tin của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ

Trong một bức thư được phát hành trên toàn quốc ngày thứ hai (9-12), các hãng Google, Microsoft Apple, Yahoo, Facebook, Twitter, AOL và LinkedIn khẳng định: “Chính phủ có nhiệm vụ bảo vệ công dân. Tuy nhiên, những tiết lộ mùa hè này cho thấy nhu cầu khẩn cấp là phải cải cách chương trình giám sát của chính phủ trên toàn thế giới”. 

Là một trong những người khởi xướng chiến dịch, Tổng Giám đốc Google L. Page cho biết: “Bảo vệ dữ liệu người dùng là tối cần thiết, đó là lý do vì sao chúng tôi đầu tư quá nhiều vào bảo mật và đấu tranh cho sự minh bạch xoay quanh yêu cầu thông tin của chính phủ”. Còn “nữ tướng” của Yahoo M. Mayer thì khẳng định “đây chính là thời điểm để chính phủ Mỹ hành động nhằm khôi phục lòng tin của dân chúng khắp thế giới”. 

Đúng là sau những tiết lộ liên quan đến chương trình do thám khổng lồ của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), những “đại gia” công nghệ của Mỹ đang rơi vào rắc rối. Theo tài liệu mà Thượng nghị sỹ E. Markey công bố, trong năm ngoái, các hãng viễn thông lớn của Mỹ đã cung cấp khoảng 1 triệu dữ liệu cho cơ quan lập pháp liên quan tới khách hàng sử dụng dịch vụ. Chẳng hạn, các công ty AT&T, T-Mobile đã đáp ứng các yêu cầu của giới chức trong hơn 500.000 trường hợp khẩn cấp, trong khi đó hãng viễn thông hàng đầu 

Verizon cung cấp hơn 270.000 dữ liệu. Một bản báo cáo vừa được Apple công bố cũng cho biết, trong nửa năm 2013, chính phủ Mỹ đã gửi đến Apple 1.000 đến 2.000 yêu cầu cung cấp thông tin người dùng. Trong một vài trường hợp, Apple còn cung cấp cả email và các hình ảnh được người dùng lưu trữ trên dịch vụ đám mây của hãng này.

Tất nhiên, lý do thu thập thông tin người dùng mà chính phủ Mỹ đưa ra là nhằm phục vụ công tác điều tra các vụ trộm cướp, tội phạm hoặc nhằm giúp đỡ các vụ điều tra tìm kiếm người mất tích. Tuy nhiên, các tiết lộ trên một lần nữa gây quan ngại cho người sử dụng các dịch vụ viễn thông khi mà quyền riêng tư và các thông tin cá nhân nhạy cảm nhất của họ có thể dễ dàng bị xâm phạm. 

Giải thích cho nỗ lực thiết lập “một giới hạn đỏ” đối với hoạt động giám sát, liên minh gồm 8 “đại gia” công nghệ Mỹ khẳng định Chính phủ Mỹ cần phải đi đầu trong các nỗ lực của thế giới nhằm giới hạn hoạt động giám sát và đây là thời điểm thích hợp để các nước giải quyết thực tiễn và vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động giám sát và tiếp cận thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ mạng.

5 nguyên tắc mà liên minh trên đề ra là hạn chế thẩm quyền của nhà chức trách trong việc thu thập thông tin người dùng, có trách nhiệm giám sát và giải trình, minh bạch về yêu cầu của chính phủ, tôn trọng tự do thông tin, tránh xung đột giữa các chính phủ. Có thể nói đây là chiến dịch lớn nhất từ trước tới nay của các hãng công nghệ hàng đầu nước Mỹ nhằm hạn chế chương trình do thám bí mật của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA).