Nga và Trung Quốc bực mình vì Mỹ thiết lập lá chắn tên lửa tại châu Á

ANTĐ - Bộ Quốc phòng Mỹ vừa tiết lộ Washington đang đàm phán với các quốc gia để xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á và Trung Đông bên cạnh lá chắn tên lửa tại châu Âu.

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề chiến lược toàn cầu, bà Madelyn Creedon cho biết Mỹ chủ trương xúc tiến việc thiết lập hai tam giác lá chắn tên lửa Mỹ - Nhật - Australia và Mỹ - Nhật - Hàn Quốc. Theo trang Global Research, từ năm 2008 Mỹ đã cùng Nhật triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis (tàu khu trục Aegis trang bị tên lửa đánh chặn) mà hiện hải quân Hàn Quốc đang sử dụng. Hải quân hoàng gia Australia cũng đã chọn hệ thống Aegis cho chương trình quân sự Air warfare destroyer (tàu khu trục phòng không).

Quan chức Lầu Năm Góc  khẳng định những lá chắn như vậy sẽ giúp Mỹ và các đồng minh ngăn chặn được những cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và Iran, theo mô hình mẫu lá chắn tên lửa mà Washington đang thiết lập tại châu Âu. Mô hình này hình thành một thế chân kiềng: đặt tên lửa đánh chặn ở Ba Lan và Romania, hệ thống rađa ở Thổ Nhĩ Kỳ và triển khai tàu khu trục Aegis có trang bị tên lửa đánh chặn ở Tây Ban Nha.

Tại Trung Đông, như Báo The National cho biết, mỗi quốc gia trong GCC đều đã có quan hệ hợp tác quân sự song phương với Mỹ và hiện từng nước đang phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa riêng của mình. Washington đang thúc đẩy các nước vùng Vịnh lập hệ thống phòng thủ tên lửa chung cho GCC để đối phó với nguy cơ từ tên lửa hành trình tầm thấp, bắn từ cự ly gần.

Theo trang Defensenews, cuối tháng 12-2011 Mỹ đã bán hai đơn vị phòng thủ tên lửa hiện đại, trị giá 3,48 tỷ USD cho UAE bao gồm 96 tên lửa, hai rađa, thiết bị hỗ trợ và chương trình huấn luyện... Đây là một phần trong nỗ lực xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tại Trung Đông. Các quan chức Quốc phòng Mỹ khẳng định một mạng lưới chung sẽ có khả năng nhanh chóng phát hiện và triệt hạ tên lửa bắn từ bất cứ địa điểm nào trong khu vực.

Tuy bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân 2012, Tổng thống Obama cho rằng cuộc bầu cử ở Mỹ và sự chuyển giao ban lãnh đạo ở Nga đồng nghĩa với việc năm nay không phải là năm thích hợp cho việc cân nhắc sâu rộng về các vấn đề kiểm soát vũ khí và phòng thủ tên lửa, thì theo giới quan sát, ý định trên của Mỹ có thể làm phức tạp thêm các mối quan hệ của Mỹ với Nga và Trung Quốc do cả Mátxcơva và Bắc Kinh đều lo ngại rằng, việc phòng thủ như vậy có thể gây nguy hại đến an ninh của họ ngay cả khi Mỹ cam kết chỉ dùng để ngăn chặn Iran hay Triều Tiên.

Nga cho rằng hệ thống lá chắn này sẽ đe dọa đến an ninh của nước họ. Nga chưa thấy bị thuyết phục trước những lập luận của NATO cho rằng kế hoạch của họ không nhằm vào Nga mà nhằm đối phó với các cuộc tấn công tên lửa từ các nước như Iran, Triều Tiên.

Trang Global Research nhận định ngoài mục tiêu ngăn chặn nguy cơ từ Tehran và Bình Nhưỡng, Mỹ cũng muốn dùng lá chắn tên lửa để kiềm chế Trung Quốc. Bởi thế, phản ứng cứng rắn của Trung Quốc đối với kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Á là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi quan hệ giữa hai siêu cường này gần đây đã “cơm không lành canh chẳng ngọt” vì những hoạt động “dương oai diễu võ” của Mỹ ở châu Á trong thời gian vừa qua.

Bắt đầu từ cuối năm ngoái, Mỹ bắt đầu thực hiện một loạt bước đi để thể hiện mong muốn quay trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của nước này, trong đó có rất nhiều động thái quân sự. Nổi bật là Tổng thống Obama trong chuyến thăm Australia hồi năm ngoái đã chính thức thông báo kế hoạch triển khai hàng nghìn quân đến xứ sở chuột túi trong vài năm tới. Cũng vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Hillary trong khi ở thăm Philippines đã cam kết sẽ bảo vệ nước này trong một cuộc tranh chấp lãnh hải ở khu vực. Cam kết này rõ ràng ám chỉ đến Trung Quốc bởi giữa nước này với Philippines đang có cuộc tranh chấp lãnh hải ở khu vực Biển Đông. Mỹ còn tuyên bố sẽ triển khai một loạt tàu chiến đến Singapore, Thái Lan, Philippines...

Trung Quốc tin rằng, những động thái trên của Mỹ là nhằm bao vây, kiềm chế nước này. Ngày 27-3, Trung Quốc đã kêu gọi các nước thận trọng sau khi Mỹ tiết lộ kế hoạch thiết lập các lá chắn tên lửa khu vực chống tên lửa đạn đạo tại châu Á. Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích “các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đang bao vây Trung Quốc”. Việc Mỹ bán cho Đài Loan một số lượng vũ khí trị giá 6,5 tỷ USD, trong đó có 200 tên lửa đánh chặn Patriot hiện đại, vào đầu năm 2010 là một phần trong chiến lược này.