Nga tung đòn làm sụp đổ đồng Euro thông qua 'vũ khí năng lượng'

ANTD.VN - "Vũ khí năng lượng" của Nga mà cụ thể là khí đốt theo nhận xét đang gây tác động rất mạnh, có thể dẫn tới việc làm sụp đổ đồng Euro.

Đồng Euro đang đối diện nguy cơ sụp đổ khi giảm giá trị xuống mức thấp nhất trong 20 năm khi đối diện "vũ khí năng lượng" của Nga. Cụ thể, Moskva đã cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu và gây ra tình trạng trên.

Theo nhà báo Abhinav Ramnarayan của tờ Bloomberg, nền kinh tế châu Âu bắt đầu suy giảm nhanh chóng sau khi cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu sắc. Như tác giả lưu ý, tốc độ suy thoái đã tăng lên ngay trước mùa Đông lạnh giá do quyết định về khí đốt của Nga.

"Giá trị đồng Euro và chứng khoán châu Âu sụt giảm sau khi Nga làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng bằng cách tắt các vòi dẫn khí chính, báo hiệu một mùa Đông dài lạnh giá cho các doanh nghiệp và hộ gia đình châu Âu", chuyên gia Ramnarayan nói.

Các nước châu Âu, dẫn đầu là Đức, đã công bố các biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt và giá năng lượng tăng cao, sau khi Tập đoàn Gazprom hôm 2/9/2022 cho biết họ sẽ ngừng cung cấp vô thời hạn khí đốt qua đường ống Nord Stream 1.

Kết quả từ hành động trên của phía Nga đã khiến đồng Euro lao dốc - nó giảm 0,7% xuống mức 0,988 USD vào hôm 5/9, mức yếu nhất kể từ năm 2002, trong khi chỉ số chứng khoán Euro Stoxx 50 của 50 công ty lớn nhất châu Âu giảm 3,3%.

“Đồng Euro đang phải đối diện rất nhiều khó khăn và sẽ giảm giá mạnh do tác động từ việc đình chỉ vô thời hạn việc cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu thông qua tuyến ống Dòng chảy phương Bắc 1".

"Không có khí đốt đồng nghĩa với việc không có tăng trưởng và xuất hiện một Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) 'diều hâu' không thua gì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ”, ông Rodrigo Catril - nhà phân tích của National Australia Bank cho biết.

Nguồn cung cấp nhiên liệu từ Nga sang châu Âu bắt đầu giảm khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra và việc áp dụng các biện pháp trừng phạt chống Nga. Các vấn đề mới, chẳng hạn như việc đóng cửa Nord Stream 1 đe dọa gây tổn thất to lớn cho Liên minh châu Âu.

“Các vấn đề liên quan tới việc cung cấp năng lượng trước thềm mùa Đông có nguy cơ gây thêm áp lực lên nền kinh tế khu vực, khi giá tiêu dùng tăng cao gây áp lực buộc ECB phải thắt chặt chính sách tiền tệ”, chuyên gia Catril cảnh báo.

Ngân hàng trung ương châu Âu theo đánh giá từ giới phân tích hiện phải đối mặt với hai thách thức lớn: đối phó với lạm phát ở mức cực kỳ nghiêm trọng và suy thoái kinh tế đang rình rập.

Nhà phân tích Soo-Lin Ong - người đứng đầu bộ phân chiến lược kinh tế tại Ngân hàng Hoàng gia Canada cho biết tại một thời điểm nào đó, các thị trường châu Âu sẽ tự hỏi mức lạm phát mà các ngân hàng của từng quốc gia sẵn sàng chịu đựng.

Chuyên gia Ong nói: “Tăng trưởng kinh tế thấp hoặc suy thoái và thị trường lao động yếu hơn là cái giá phải trả, nhưng giá năng lượng tăng liên tục leo thang có thể ảnh hưởng đến mức độ mà ECB sẽ hành động trong tuần này và trong suốt chu kỳ”.

Những biện pháp mà châu Âu có thể áp dụng nhằm giải tỏa khủng hoảng năng lượng, ví dụ như thống nhất với G7 áp đặt giá trần với dầu và khí đốt của Nga cũng tỏ ra chưa phải phương án tối ưu.

Trong trường hợp xấu nhất, Nga hoàn toàn có thể ngừng hoàn toàn nguồn cung đối với những nước nào áp đặt giá trần đối với năng lượng của mình, dẫn tới cuộc khủng hoảng trầm trọng thêm.