Nga trình làng UAV cảm tử tầm xa Italmas 'bội phần nguy hiểm hơn Lancet'

ANTD.VN - UAV cảm tử tầm xa Italmas (Nga) được nhận xét sẽ trở thành cơn ác mộng mới cho các phương tiện quân sự phương Tây.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại nhà máy sản xuất của công ty Aeroscan, một chiếc máy bay không người lái tấn công mới đã xuất hiện, đó chính là UAV cảm tử tầm xa Italmas.

Tại buổi làm việc, ông Putin đã nghe giới thiệu về các mẫu máy bay không người lái tấn công và trinh sát thế hệ mới, đồng thời kiểm tra dây chuyền lắp ráp và thăm trung tâm đào tạo của nhà máy.

Công ty Aeroscan (trước đây xuất hiện dưới tên gọi ZALA Group), được biết đến là nhà phát triển và sản xuất máy bay không người lái cảm tử Lancet, Geran-2 (bản nội địa hóa Shahed-136 của Iran) và nhiều sản phẩm khác.

Như lãnh đạo của Công ty Aeroscan giới thiệu, chiếc máy bay không người lái cảm tử Italmas này rõ ràng sẽ có hiệu suất tốt hơn nhiều so với loại Lancet đã có màn thể hiện rất thành công trên chiến trường suốt thời gian qua.

Điển hình như Italmas có "đầu đạn tăng cường" (không nêu chi tiết các thông số) và tầm hoạt động tăng lên 200 km. "Trái tim" của chiếc UAV là động cơ xăng thay vì điện, bình xăng dường như được "chìm" vào kết cấu cánh.

Báo chí Nga cho rằng việc thử nghiệm máy bay không người lái cảm tử Italmas đã bắt đầu vào mùa đông năm 2022, và chỉ đến bây giờ (tức là vào đầu mùa thu năm nay) chiếc UAV này mới "đạt được điều kiện cần thiết".

Mặc dù vậy, các chi tiết và thông số kỹ thuật khác liên quan đến dự án này vẫn chưa được công khai rõ ràng. Bất chấp mối đe dọa vẫn chỉ ở trên lý thuyết, thông tin về loại vũ khí mới đã gây lo lắng cho nhiều đối thủ của Nga.

Bản thân người Nga định vị Italmas là một bước phát triển của Lancet về đặc điểm, đồng thời còn là một dạng tương tự với Shahed-136 (hoặc Geran-2) về hình thức bên ngoài và cách thức phóng.

Các nguồn tin riêng biệt cũng khẳng định rằng trên chiếc máy bay không người lái cảm tử mới nhất, Nga thậm chí còn lắp đặt một trạm quang điện tử, cho phép điều khiển UAV và hướng dẫn mục tiêu "trong thời gian thực", tương tự chiếc Harop của Israel.

Tuy nhiên tuyên bố về sự hiện diện của trạm quang điện tử trên UAV cảm tử Italmas hiện chưa được xác thực bởi những hình ảnh đã công khai. Vì vậy, hệ thống dẫn đường của chiếc máy bay không người lái này vẫn chưa rõ ràng.

Nhưng cần nhấn mạnh, nhà sản xuất đã định vị UAV tấn công mới nhất của mình là vũ khí tấn công tầm xa, được thiết kế để phá hủy thiết bị hoặc vật thể quân sự ở khoảng cách lên tới 100 - 150 km tính từ tiền tuyến.

Trong tương lai, với sự trợ giúp của UAV cảm tử Italmas, các đơn vị của Lực lượng Vũ trang Nga có thể tiêu diệt các hệ thống pháo binh và tên lửa của đối phương một cách hiệu quả hơn nhiều.

Đồng thời với sự hiện diện của đầu đạn tích lũy song song, các phương tiện bọc thép hạng nặng do NATO sản xuất cũng gặp nguy cơ lớn, chiếc Italmas sẽ giải quyết nhiệm vụ mà Lancet chưa thực hiện được do đầu đạn tương đối nhỏ.

Máy bay không người lái cảm tử tầm xa Italmas còn có tên gọi khác là Sản phẩm 54 (Izdeliye 54), nó được dự báo sẽ cùng bản nâng cấp của Lancet (Izdeliye 53) tạo ra những "cơn ác mộng" tồi tệ nhất cho đối phương.