Nga tìm ra cách vượt qua lệnh trừng phạt của phương Tây đối với thị trường kim cương

ANTD.VN - Nỗ lực cắt đứt Nga khỏi thị trường kim cương thông qua những lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt bị đánh giá đã mất tác dụng.

Nga đã tìm ra cách để lách các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm phong tỏa nước này khỏi thị trường kim cương thế giới. Nhận định nói trên được đưa ra bởi hãng thông tấn Bloomberg.

Như các nhà phân tích của tờ Bloomberg lưu ý, thị phần của công ty Nga Alrosa chiếm tới 1/3 tổng nguồn cung kim cương thô trên toàn thế giới. Rõ ràng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã gây ra khá nhiều xáo trộn trên thị trường đá quý.

Những người thợ cắt, thợ mài và thương nhân trên khắp thế giới đang tìm cách tiếp tục mua kim cương thô từ Nga, trong khi các ngân hàng của họ không thể hoặc không muốn thực hiện thanh toán cho hợp đồng vì Moskva đã bị ngắt kết nối khỏi hệ thống SWIFT.

Mặc dù vậy, thật đáng ngạc nhiên khi công ty Nga đã tìm ra cách hiệu quả để xuất khẩu hàng hóa, ngay cả khi họ đang bị Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt những hạn chế vô cùng nghiêm ngặt.

“Sự hoảng sợ bao trùm thị trường kim cương thế giới trong năm nay đang bắt đầu giảm bớt khi tập đoàn khai thác mỏ khổng lồ PJSC Alrosa của Nga bất chấp các lệnh trừng phạt đã âm thầm khôi phục xuất khẩu về mức gần như trước đây".

"Hiện tại, sau nhiều tháng tê liệt do lệnh vướng phải các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu, công ty Alrosa đang bán được hơn 250 triệu USD kim cương mỗi tháng", theo hãng tin Bloomberg.

Việc bán hàng đã có thể tiếp tục với sự trợ giúp của các ngân hàng Ấn Độ, những cơ sở kinh doanh này đang thực hiện những giao dịch tránh sử dụng đồng đô la Mỹ nhằm thoát khỏi các bện pháp hạn chế.

Giờ đây, hầu hết đá quý của Nga được gửi đến các nhà sản xuất ở Ấn Độ, một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất, nơi có hàng trăm doanh nghiệp cắt và đánh bóng đá thô, biến chúng thành thành phẩm sẵn sàng sử dụng cho hoa tai và nhẫn cưới.

Ngoài ra sau đó đồ trang sức sẽ được chuyển đến Bỉ và hiện diện trong những phiên chợ đắt giá. Được biết, những viên kim cương đã được bán ở Ấn Độ và châu Âu với định giá bằng đồng Rupee.

“Không có dấu hiệu cho thấy bất kỳ hoạt động bán hàng nào đã vi phạm lệnh trừng phạt hoặc luật pháp. Sự trở lại của một trong những nguồn cung đá quý lớn thế giới sẽ là một sự cứu trợ cho các nhà sản xuất và thương nhân", tờ Bloomberg nhấn mạnh.

Giá kim cương thô đã bắt đầu giảm. Các nhà phân tích cho biết doanh số bán hàng được nối lại cho thấy người mua trên khắp thế giới đang tìm cách để có được các nguồn tài nguyên của Nga, cho dù đó là khí đốt, dầu mỏ, than đá hay đá quý, các nhà phân tích cho biết.

Ví dụ, Ấn Độ và Bỉ vẫn muốn kim cương Nga và đang tìm kẽ hở để thực hiện điều này sau khi các ngân hàng không thể hoặc không muốn xử lý khoản thanh toán sau khi lệnh trừng phạt có hiệu lực. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại các thị trường kim cương ở Trung Quốc và Trung Đông.

Hãng tin Bloomberg nhấn mạnh: “Sau sự hỗn loạn ban đầu do các lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra, một dòng đá quý mới của Nga đang nhanh chóng làm dịu căng thẳng thị trường”.

Tuy vậy tình trạng trên có kéo dài được hay không mới là điều đáng nói, bởi phương Tây đang tích cực nghiên cứu những biện pháp nhằm "bịt lỗ hổng" của những lệnh trừng phạt.