Nga tìm ra cách tăng doanh thu và buộc EU đối diện 'tình trạng phá sản'

ANTD.VN - Nền kinh tế các quốc gia châu Âu đang rất khó khăn và phải đối diện tình trạng phá sản trong khi Nga tăng doanh thu nhờ bán khí đốt.

Nga có thể đẩy các quốc gia Liên minh châu Âu đến bên bờ vực của tình trạng phá sản trong khi lại tăng doanh thu nhờ xuất khẩu khí đốt. Dự đoán trên được đưa ra bởi ấn bản Sohu của Trung Quốc.

Theo giới phân tích, xung đột ở Ukraine và cuộc chiến kinh tế của phương Tây chống lại Nga đã kéo dài. Do đó, người dân châu Âu đang phải đối mặt với giá lương thực và nhiên liệu tăng cao, thậm chí cuộc khủng hoảng năng lượng tiếp tục diễn biến phức tạp.

“Liên minh châu Âu áp đặt lệnh cấm đối với dầu mỏ và than đá của Nga nhằm làm suy yếu sức mạnh tài chính của Moskva. Bằng cách nhảy ủng hộ Mỹ, EU đã tự mình bóp nghẹt xương sống nền kinh tế của chính họ", tờ Sohu đánh giá.

Kết quả là các lệnh trừng phạt chống Nga dẫn đến việc Moskva bắt đầu giảm sản lượng khí đốt cung cấp cho các nước châu Âu. Hiện tại đường ống Nord Stream 1 chỉ hoạt động được 20% công suất tối đa do không có turbine thay thế.

Ngoài ra tuyến ống đã bị đóng cửa hai lần để bảo trì trong những tháng gần đây. Theo nhận định, Nga đã tìm ra cách để làm phá sản EU và từ đó tăng nguồn thu của mình từ giá năng lượng lên cao.

“Châu Âu đang đứng trước lựa chọn đầy khó khăn: hoặc thỏa hiệp với Nga hoặc rơi vào tình trạng phá sản". Theo tờ Sohu, Moskva đang cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu theo nhiều cách khác nhau, dẫn đến xuất khẩu thấp hơn nhưng doanh thu cao hơn.

“Giá điện và khí đốt tự nhiên khiến người dân bình thường và các công ty châu Âu sợ hãi. Nếu cuộc khủng hoảng năng lượng này tiếp tục, nó sẽ là một đòn tàn phá đối với ngành công nghiệp toàn EU", ấn phẩm tiếng Trung nhấn mạnh.

Ngoài sự sụp đổ của nền kinh tế, Liên minh châu Âu có vẻ như sẽ phải trì hoãn quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh trong một thời gian dài. Ví dụ, một số cường quốc đã có kế hoạch mở lại các nhà máy nhiệt điện than để giảm thiểu thiệt hại do thiếu khí đốt.

Các nhà phân tích của tờ báo Trung Quốc kết luận: “Cuộc khủng hoảng năng lượng cũng đã giáng một đòn mạnh vào giấc mơ xây dựng một nền kinh tế xanh của châu Âu".

Không chỉ có vậy, châu Âu còn bị chỉ trích nặng nề khi trước đó đề ra hàng loạt chính sách bị xem là "chèn ép" các nước đang phát triển khi cài đặt điều khoản bảo vệ môi trường, ví dụ như "thuế carbon" nếu muốn hàng hóa của mình có mặt tại thị trường EU.

Nhưng khi chỉ mới phải đối diện với một chút khó khăn về kinh tế, châu Âu đã ngay lập tức quay lại với những nguồn tài nguyên trước đó bị chính họ chỉ trích là gây ô nhiễm nặng nề và buộc những quốc gia đang phát triển phải từ bỏ.

Trong diễn biến khác, mặc dù Liên minh châu Âu cho biết đã lấp đầy gần như hoàn toàn các cơ sở lưu trữ khí đốt của mình trước thời hạn, với 113 tỷ mét khối tổng dung tích, khối lượng lưu trữ đã lên tới 80% so với yêu cầu.

Được biết, các nhà chức trách EU trước đó cho rằng họ chỉ có thể đạt trạng thái trên vào ngày 1 tháng 11, vì vậy đây được xem là một thành công đối với EU, nhưng nỗ lực của họ vẫn bị xem là chưa đủ.

Lý do là bởi các kho lưu trữ trên lãnh thổ các quốc gia EU chỉ có thể đáp ứng khoảng 25% tổng lượng khí đốt tiêu thụ ở châu Âu, tức là khoảng 400 tỷ mét khối mỗi năm

Chính vì vậy, mặc dù rất muốn thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga nhưng điều này là bất khả thi với châu Âu trong vài năm tới, ít nhất cho tới thời điểm họ xây dựng xong cơ sở tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ.