Nga thu được rocket HIMARS còn nguyên vẹn

ANTD.VN - Quân đội Nga thu được rocket nguyên vẹn của pháo phản lực HIMARS trong nỗ lực đánh chặn tại Donetsk, họ sẽ chuyển nó về Moscow để nghiên cứu.
"Quả đạn rocket của pháo HIMARS bị bắn rơi ở quận Budennovsky thuộc thành phố Donetsk sẽ được chuyển về thủ đô Moscow để các chuyên gia quốc phòng nghiên cứu. Rocket gần như không bị hư hại, phần thân chính và thiết bị điện tử vẫn nguyên vẹn", Yan Gagin, cố vấn của lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, cho biết hôm 22/10.
Hình ảnh hiện trường được RIA Novosti công bố cho thấy rocket bị móp méo thân và rách đuôi, phần mũi chứa hệ thống dẫn đường và điều khiển bay rơi cách đó vài mét.
Truyền thông Nga cho biết quân đội Ukraine đã sử dụng pháo phản lực HIMARS tập kích quận Kalininsky và Budennovsky ở thành phố Donetsk hôm 21/10, khiến ba dân thường bị thương,
Nga cho biết đây là lần đầu tiên họ thu được quả đạn rocket của hệ thống HIMARS còn nguyên vẹn như vậy.
Việc thu được chiến lợi phẩm còn nguyện vẹn sẽ giúp ích rất nhiều cho phí Nga.
Đầu tiên là họ sẽ nghiên cứu thật kỹ để tìm ra các phương cách hiệu quả để vô hiệu hóa vũ khí chính xác này.
Tiếp đến là nghiên cứu và có thể sao chép công nghệ tiên tiến của đối phương.
"Hỏa thần" HIMARS được coi là một trong những loại vũ khí có thể thay đổi cục diện chiến trường nhờ hiệu suất tác chiến đáng nể.
Với danh tiếng nhờ hiệu suất thực chiến ấn tượng, dòng vũ khí này trở thành "con gà đẻ trứng vàng" cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.
Hàng loạt đơn đặt hàng tổ hợp pháo phản lực phóng loạt này khiến nhà sản xuất phải tăng cường tốc độ sản xuất để đáp ứng nhu cầu.
Khi xung đột tại Đông Âu nổ ra, pháo HIMARS được Mỹ cung cấp cho Ukraine đã phần nào xoay chuyển cục diện chiến trường, điều này khiến Nga phải rất chật vật để đối phó.
Được biết M142 HIMARS chính là biến thể thu gọn của loại pháo phản lực M270. Chúng sử dụng khung gầm xe bánh lốp 6x6 thay vì bánh xích.
Tổ hợp pháo phản lực phóng loạt M142 HIMARS bao gồm hai thành phần chính là xe mang phóng và xe tải đạn
Xe mang phóng được lắp động cơ diesel Caterpillar 3115 ATAAC dung tích 6,6 lít có công suất 290 mã lực cho tốc độ tối đa 85 km/h; tầm hoạt động 480 km.
HIMARS có độ cơ động rất tốt khi leo được dốc 60%; vượt chướng ngại vật cao 0,6 m; vượt hào rộng 1 m; lội nước sâu 0,9 m.
Mỗi xe phóng mang theo một container chứa 6 ống phóng đạn rocket, và khi cần container này có thể chứa và phóng một tên lửa MGM-140.
M142 có độ sát thương lớn, chỉ mất 20 giây để phóng 6 quả rocket M26 tạo ra vùng sát thương rộng 78,5 ha.
Mỗi quả đạn rocket M26 lại mang theo 644 đầu đạn con M77, từ khoảng cách 30 km.
Lục quân Mỹ ví đây là phương án ném bom mà không cần sự trợ giúp từ máy bay không quân.
Trong chiến dịch Bão táp sa mạc (1990-1991), các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt tỏ rõ sức mạnh dù chỉ dùng đạn M26 cơ bản.
Vào thời điểm đó, Mỹ bắt đầu phát triển mẫu rocket có tầm bắn tới 45 km, nhưng vẫn sử dụng đầu đạn M77.
Không lâu sau, đầu đạn này được thay thế bằng biến thể M85 mới hơn, có cùng sức hủy diệt nhưng tỷ lệ trục trặc kỹ thuật chỉ 1% so với 5% của M77.
Tuy nhiên, điểm yếu của chúng là các quả đạn không có hệ thống dẫn đường, khiến chúng có độ chính xác rất thấp, dễ gây thiệt hại ngoài ý muốn trên chiến trường.
Mỹ sau đó cho ra đời phiên bản đạn rocket M30 trang bị đầu tự dẫn và 404 bom con M85, giảm bớt sức sát thương nhưng tăng đáng kể độ chính xác với các mục tiêu cỡ nhỏ.
Biến thể đạn rocket M31 mới nhất được coi là giải pháp hiệu quả để tiêu diệt mục tiêu trong đồi núi và đô thị với độ chính xác tối đa.
Đầu đạn chùm M85 được thay bằng khối thuốc nổ mạnh nặng 100 kg, cho phép tiêu diệt mục tiêu đơn lẻ mà không gây thiệt hại ngoài dự tính cho khu vực xung quanh.
Quả đạn trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và định vị vệ tinh, cho phép nó đánh trúng trong bán kính 10 m quanh mục tiêu định trước.
Tầm bắn được nâng lên khoảng 80-90 km, ngoài khả năng phản pháo của hầu hết các tổ hợp pháo phản lực thông thường, bảo đảm khả năng sống sót cho bệ phóng của hệ thống M142.
M142 HIMARS là hệ thống pháo phản lực hiện có trong trang bị của các nước NATO và cả các quốc gia khác bao gồm cả Nhật Bản và Israel.