Nga thay đổi nguyên tắc quản lý kinh tế để duy trì tăng trưởng

ANTD.VN - Nga bắt đầu áp dụng đầy đủ những nguyên tắc quản lý kinh tế mới học từ Trung Quốc và một số nước trên thế giới và đã cho thấy hiệu quả.

Nguyên tắc đầu tiên là bây giờ việc lập kế hoạch được Nga thực hiện trong một thời gian khá dài. Ví dụ giai đoạn đến năm 2030 được coi là trung hạn. Các vấn đề chiến lược được lên kế hoạch cho đến năm 2045.

Ông Maxim Reshetnikov - người đứng đầu Bộ Phát triển Kinh tế nói với hãng tin Vedomosti rằng, Nga cũng có ý định phát triển công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng và định hướng lại về phía Đông.

Nguyên tắc thứ hai là nhu cầu hiện đang được theo dõi. Chính trị gia cho biết khi chính phủ nhận thấy sự sụt giảm tiêu dùng trong dân chúng cũng như trong khu vực doanh nghiệp, khoản thâm hụt sẽ được bù đắp từ ngân sách của đất nước.

Bộ trưởng Reshetnikov nói thêm: “Trong những năm gần đây, chúng tôi đã bớt ngại đi vay hơn rất nhiều và bắt đầu sử dụng thâm hụt ngân sách như một công cụ để phát triển kinh tế nhiều hơn nữa".

Các nguồn tin thân cận với Điện Kremlin cho biết, Nga cũng đang thúc đẩy các tổ chức chịu trách nhiệm về chính sách ngân sách và tiền tệ hợp tác chặt chẽ hơn. Cùng nhau, các cơ quan chức năng sẽ có thể tăng GDP và duy trì sự ổn định tài chính.

Có thể gọi các biện pháp của Bộ Phát triển Kinh tế là "nguyên tắc Trung Quốc", nhưng rất cẩn thận - đây là một cách nói gắn liền với hoàn cảnh chính trị, nhà kinh tế học Nikita Maslennikov chia sẻ ý kiến ​​​​của mình với tờ PolitExpert (PE).

Trên thực tế, chính quyền Nga đã bắt đầu sử dụng công cụ đầu tiên đó là lập kế hoạch dài hạn kể từ đầu thế kỷ 21, dựa trên kinh nghiệm thu được từ những năm 1990.

Còn đối với giám sát nhu cầu, mọi thứ đã khác, nó thực sự bắt đầu được sử dụng thường xuyên gần đây - kể từ sau đại dịch, áp dụng một số kinh nghiệm từ Trung Quốc và các quốc gia khác trên thế giới.

“Nga đã có những chiến lược lập kế hoạch dài hạn: ý tưởng như vậy được phát triển trong quá khứ và tôi sẽ không nói rằng đây là một kinh nghiệm độc quyền của Trung Quốc".

"Các chương trình mục tiêu như vậy có mặt ở nhiều nền kinh tế trên thế giới. Người Trung Quốc có thể nhất quán hơn trong việc thực hiện dự án mục tiêu của họ so với những người khác".

"Nhưng tất cả thành công của họ vẫn là nhờ kinh nghiệm thực hiện chiến lược trong nhiều năm, điều này nước Nga có thể học hỏi được".

"Vấn đề của chúng tôi là không phải lúc nào cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể và cố gắng lên kế hoạch mà không làm bất cứ điều gì để đạt được kết quả”, người đối thoại của tờ PE cho biết.

Điều tương tự đã diễn ra vào tháng 5 năm 2012 khi Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu lập kế hoạch mục tiêu dài hạn. Nhưng vấn đề là trước đó Chính phủ Liên bang Nga không điều chỉnh các công cụ pháp lý, không thay đổi chính sách và cơ cấu ngân sách.

Chính vì vậy nên Moskva không thể hoàn thành một số nhiệm vụ. Hiện tại, điều này đã được thực hiện đầy đủ và khả năng đạt được kết quả trong thời gian dài cao hơn nhiều, nhà kinh tế học cho biết.

“Đã đến một giai đoạn khi các mục tiêu không chỉ xuất hiện mà còn có sự điều chỉnh theo quy định đối với chúng. Chúng tôi đã học được điều này trong quá khứ".

"Những gì diễn ra buộc chúng ta phải điều chỉnh các biện pháp quản lý để đạt được những mục tiêu mong muốn trong dài hạn”, chuyên gia Maslennikov nhấn mạnh.

Nga bắt đầu can thiệp vào việc điều tiết nhu cầu của người tiêu dùng sau đại dịch, sau đó là do cuộc xung đột tại Ukraine. Quá trình tái cấu trúc dần dần nền kinh tế đã bắt đầu và nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên.

"Bước như vậy đã trở thành một điều cần thiết vì nó cho phép duy trì mức sống của công dân ở mức cao và thực hiện các nghĩa vụ xã hội được chấp nhận. Đây là cách Liên bang Nga duy trì mức độ tin tưởng của người dân", ông Nikita Maslennikov nói rõ.