Nga sử dụng số lượng kỷ lục tên lửa Kh-22 tấn công Ukraine

ANTD.VN - Tên lửa Kh-22 bắt đầu được Không quân Nga sử dụng tần suất lớn khi những loại tối tân hơn như Kalibr hay Kh-101 đang cạn kiệt.

Nga đã tiến hành một cuộc tấn công tên lửa mới vào lãnh thổ Ukraine, với 6 quả Kalibr được bắn từ tàu hộ tống ở Biển Đen và đáng chú ý nhất là 10 tên lửa Kh-22 được phóng cùng lúc từ máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3.

Được biết 16 tên lửa này đã bắn vào các cơ sở hạ tầng ở vùng Kyiv, Lviv và Mykolaiv. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ukraine - Đại tá Oleksandr Motuzyanyk đã thông báo về điều này, trang ArmyInform đưa tin.

Trong vụ việc mới nhất, Không quân Nga đã lập kỷ lục về việc sử dụng tên lửa Kh-22 - đây là trường hợp đầu tiên được biết đến khi oanh tạc cơ siêu âm Tu-22M3 bắn cùng lúc 10 tên lửa hành trình loại này.

Giới chuyên gia quân sự cho rằng tần suất như vậy trong việc sử dụng Kh-22 có thể cho thấy rằng Quân đội Nga đang đối diện tình trạng cạn kiệt kho dự trữ đối với các tên lửa chính xác cao hiện đại hơn như Kalibr, Kh-101 hoặc Kh-555.

Đó là lý do tại sao người Nga bắn ngẫu nhiên số lượng lớn các tên lửa hành trình Kh-22 cổ điển của họ, loại vũ khí khó có thể gọi là sở hữu độ chính xác cao, thậm chí còn bị tai tiếng tới mức nhận biệt danh "tên lửa mù".

Đầu dò radar thông thường của tên lửa Kh-22 bị nhận xét là "nhìn thấy" các đối tượng mặt đất cực kỳ kém, chỉ có khả năng bắt các mục tiêu kích thước lớn như tòa nhà chung cư hoặc "đối tượng công nghiệp".

Bên cạnh đó, radar của tên lửa Kh-22 "nhìn thấy" mục tiêu của nó như thế nào còn phụ thuộc phần lớn vào tầm bắn thực tế khi tên lửa được triển khai, với con số tối đa theo công bố của nhà sản xuất là 500 km.

Quân đội Nga cũng đã nâng cấp tên lửa Kh-22 bằng cách sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính. Nhưng trong trường hợp này, độ chính xác của quả đạn khi trúng đích là một hình vuông cạnh 10 x 10 km, chỉ thích hợp để đánh đòn hạt nhân.

Mặc dù vậy, giới truyền thông tin rằng việc đánh chặn tên lửa Kh-22 là vô cùng khó khăn do quỹ đạo bay tương đối phức tạp của nó, bởi đây nguyên gốc là vũ khí dành cho việc tấn công nhóm tác chiến tàu sân bay.

Sau khi phóng, Kh-22 sẽ bay lên độ cao 22,5 km và đạt tốc độ lên tới Mach 3,5 - 4, và ở khoảng cách 60 km so với đối tượng, trước khi tấn công, nó sẽ tắt động cơ và thực hiện một cú đánh vào mục tiêu ở góc 60 độ đồng thời duy trì tốc độ Mach 2.

Về lý thuyết các tổ hợp phòng không hiện đại như S-300PMU-2 hay Buk-M2 trở lên có khả năng tiêu diệt Kh-22 ở chu kỳ cuối, nhưng đáng tiếc là Ukraine chỉ có trong biên chế các tổ hợp S-300PT/PS và Buk-M1 đã lạc hậu.

Mặc dù vậy, vào ngày 30/5, Không quân Ukraine đã ghi chiến công lần đầu tiên bắn hạ một quả Kh-22 thông qua tên lửa R-27 phóng từ tiêm kích Su-27. Đây là hình thức tác chiến độc đáo giúp hạn chế nhược điểm của các tổ hợp phòng không mặt đất.

Với đặc thù cả máy bay mang phóng lẫn bản thân quả đạn đều duy trì độ cao lớn trên phần lớn hành trình, nếu phát hiện từ xa thì hoàn toàn có thể đưa tiêm kích lên đón sẵn đường bay của tên lửa để bắn hạ.

Trong tương lai, khi lực lượng phòng không Ukraine có trong trang bị các tổ hợp như IRIS-T hay MEADS của Đức thì có lẽ mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn gấp nhiều lần.