Nga sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus và phản ứng của Mỹ

ANTD.VN - Nga sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, điều này vừa được Tổng thống Putin tuyên bố. Phía Moscow cho biết hiện nước này đang triển khai tên lửa Iskander và tiêm kích MiG-31K, đây đều là những phương tiện có thể mang vũ khí hạt nhân chiến thuật.
"Chúng tôi đã chuyển giao cho Belarus hệ thống tên lửa Iskander có thể mang vũ khí hạt nhân của chúng tôi", Tổng thống Putin nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh Rossiya-24 hôm 25/3.

"Vào ngày 3/4, chúng tôi sẽ bắt đầu huấn luyện các nhóm vận hành và vào ngày 1/7/2023, chúng tôi sẽ hoàn thành việc xây dựng một kho chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus", ông Putin nói thêm.

Ông Putin cho rằng, hành động này của Nga là bình thường bởi lẽ: "Mỹ đã làm điều này trong nhiều thập kỷ. Từ lâu họ đã đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ các đồng minh".

Hiện tại, vũ khí hạt nhân của Mỹ được triển khai ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, Tổng thống Putin giải thích rằng, quyết định của Nga được thúc đẩy bởi việc Anh cung cấp cho Ukraine vũ khí uranium nghèo.
Tổng thống Putin khẳng định, Tổng thống Belarus từ lâu đã nêu vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus, do vậy "điều này không có gì bất thường".

Lãnh đạo Nga thêm rằng ông đã trao đổi vấn đề này từ lâu với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và "chúng tôi đã nhất trí thực hiện".

Vũ khí hạt nhân chiến thuật có đầu đạn nhỏ, được thiết kế để sử dụng trong một cuộc tấn công hạn chế trên chiến trường, thay vì phá hủy quy mô lớn.

Ông chủ Điện Kremlin cho biết Nga đã triển khai 10 máy bay MiG-31K ở Belarus có khả năng mang vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Moscow cũng đã chuyển giao cho Minsk một số hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander có khả năng phóng vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nhiều lần đề cập đến các mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân do Mỹ triển khai tại các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) vào Belarus.
Vào tháng 10 năm ngoái, ông Lukashenko đã lưu ý đến các cuộc đàm phán "chia sẻ hạt nhân" giữa Washington và Warsaw, cảnh báo rằng vũ khí hạt nhân có thể được đặt ở Ba Lan, nước có chung biên giới với Belarus.

"Minsk cần thực hiện các biện pháp thích hợp để giải quyết mối đe dọa này", ông Lukashenko tuyên bố, đồng thời cho biết ông sẽ thảo luận vấn đề này với Nga.

Belarus có đường biên giới với 3 thành viên NATO là Ba Lan, Litva và Latvia. Nga và Belarus có mối quan hệ quân sự thân thiết và Minsk đã cho phép Moscow sử dụng lãnh thổ của mình để đưa quân vào Ukraine.

Tổng thống Putin tháng trước tuyên bố đình chỉ tham gia New START, hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng giữa hai cường quốc hạt nhân lớn Mỹ và Nga, làm dấy lên nhiều lo ngại về rủi ro đối đầu hạt nhân.

Phản ứng trước tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus, phía Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: "Chúng tôi đã xem các báo cáo về thông báo của Nga và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình"

"Chúng tôi không thấy có lý do gì để điều chỉnh lập trường hạt nhân chiến lược của mình, chưa có dấu hiệu cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi vẫn cam kết thực thi nguyên tắc phòng vệ tập thể của liên minh NATO", Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố hôm 25/3.

Ông Nikolai Sokol, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Giải trừ Vũ khí và Không phổ biến Vũ khí hạt nhân Vienna, nhận định quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus là một động thái đáng chú ý của Nga.
"Nga luôn tự hào rằng họ không có vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ. Vì vậy, bây giờ, họ đang thay đổi điều đó và đó là một thay đổi lớn", chuyên gia Sokol cho biết.
Chiến dịch Quốc tế về xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) gọi thông báo của Tổng thống Putin là sự leo thang nguy hiểm.
Theo ICAN, "trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine, khả năng tính toán sai hoặc hiểu sai là rất cao".
"Chia sẻ vũ khí hạt nhân khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều và có nguy cơ gây ra những hậu quả nhân đạo thảm khốc", ICAN nhấn mạnh.