Nga sẵn sàng cung cấp tên lửa siêu thanh cho những quốc gia thân thiện

ANTD.VN - Tên lửa siêu thanh sẽ được Nga xuất xuất khẩu cho đồng minh, có thể ở dạng thành phẩm hoặc chuyển giao công nghệ.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, Tư lệnh Hải quân Nga - Đô đốc Nikolai Evmenov cho biết, các tàu ngầm của hải quân nước này, bao gồm cả tàu ngầm chiến lược đều sẽ được trang bị tên lửa siêu thanh.

Đô đốc Evmenov đã xác nhận với phóng viên ấn phẩm Krasnaya Zvezda (tờ báo của Bộ Quốc phòng Nga) rằng tên lửa hành trình Kalibr đã được thử nghiệm trên tàu ngầm thế hệ tiếp theo.

"Vào thời điểm hiện nay, tên lửa hành trình Kalibr có thể tích hợp trên hầu hết các tàu ngầm đang hoạt động trong thành phần tác chiến của Hải quân Nga, bao gồm cả tàu ngầm chiến lược", Đô đốc Yevmenov cho biết.

Tư lệnh Hải quân Nga lưu ý thêm: "Bước tiếp theo là trang bị vũ khí tên lửa siêu thanh cho tàu ngầm. Đừng để ai, đặc biệt là các đối thủ cảm thấy nghi ngờ về việc chúng tôi sẽ thực hiện điều đó".

Hiện tại Hải quân Nga có khoảng 10 chương trình đóng tàu ngầm mới và các sửa đổi. Moskva đang tiến hành một quá trình hợp nhất các tàu ngầm và giảm số lượng dự án, nhằm đơn giản hóa cũng như hạ chi phí chế tạo, sửa chữa, vận hành và xử lý chúng.

Trước đó, ông Konstantin Biryulin - Phó giám đốc Tập đoàn tên lửa chiến thuật (KTRV) trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti đã nói rằng ngành công nghiệp quốc phòng có thể chuyển giao công nghệ siêu thanh cho các nước thân thiện.

Mặc dù vậy, quyết định này mang tính chính trị sâu sắc, và chỉ có thể được đưa ra ở cấp cao nhất.

Ông Biryulin nói thêm rằng quyết định như vậy cần được cân nhắc thật cẩn thận, và chỉ sau khi có đơn đặt hàng phù hợp (với giá trị đủ lớn), công nghệ mới được chuyển giao cho các quốc gia khác.

Ví dụ, Phó giám đốc tập đoàn KTRV đã nói về sự hợp tác chung giữa Nga và Ấn Độ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Moskva và New Delhi hiện đang thực hiện thành công chương trình sản xuất tên lửa siêu thanh BrahMos và một số dự án khác.

Điển hình là tên lửa chống hạm siêu thanh BrahMos-2, vũ khí này theo nhận xét chính là một biến thể xuất khẩu dựa trên loại 3M22 Zircon mà Hải quân Nga vừa thử nghiệm thành công và bắt đầu đưa vào trang bị.

Cần nói thêm, trước đó Nga thường khá "dè dặt" và ít khi chủ động thông báo sẵn sàng chuyển giao công nghệ vũ khí mới, ví dụ như tên lửa siêu thanh vừa đưa vào trang bị cho khách hàng nước ngoài.

Động thái trên được giải thích là bởi Moskva cần đưa ra "cú hích" đủ mạnh nhằm kích cầu trên thị trường vũ khí, sau khi họ hứng chịu nhiều biện pháp trừng phạt nặng nề, đặc biệt là Đạo luật CAATSA do Mỹ ban hành khiến nhiều khách hàng "quay lưng".

Ngoài tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh Zircon, tên lửa đạn đạo phóng từ trên không Kh-47M2 Kinzhal cũng được quan tâm đặc biệt, nhất là khi mới đây Nga thông báo sẽ nghiên cứu giảm trọng lượng để tích hợp trên máy bay chiến thuật dễ dàng hơn.

Trong thời gian tới, dự báo chuyển giao công nghệ sẽ là hướng đi chủ lực của Nga thay vì chỉ bán sản phẩm như trước, mục đích nhằm lấy lại vị thế cường quốc xuất khẩu vũ khí hàng đầu trên thế giới.