Nga nói gì khi Ukraine tuyên bố bắn cháy soái hạm Moscow của Hạm đội Biển Đen?

ANTD.VN -  Giới chức Ukraine thông báo đã dùng tên lửa diệt hạm Neptune bắn cháy soái hạm Moscow của Hạm đội biển Đen, trong khi Nga nói tàu chiến của họ bị nổ kho đạn do hỏa hoạn.

Soái hạm Moscow của Hạm đội biển Đen Nga vừa bị Ukraine tuyên bố dùng tên lửa diệt hạm của nước này bắn cháy.

"Tên lửa Neptune đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho tàu chiến Nga. Vinh quang cho Ukraine", ông Maksym Marchenko, thị trưởng thành phố Odessa, Ukraine cho biết.

Cố vấn Tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych cũng cho biết một bất ngờ đã xảy đến với soái hạm của hạm đội Biển Đen Nga.

“Lửa đang cháy rất mạnh. Và với giông bão ngoài biển, không chắc 510 thành viên thủy thủ đoàn có thể được hỗ trợ kịp thời”, ông Arestovych nói.

Bộ Quốc phòng Nga sau đó cho biết một đám cháy đã dẫn tới vụ nổ trong kho đạn của tàu tuần dương Moscow, soái hạm của Hạm đội Biển Đen.

"Do một vụ cháy, kho đạn đã phát nổ trên tàu tuần dương tên lửa Moscow. Con tàu bị thiệt hại nghiêm trọng", hãng tin RIA dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết. Bộ này nói thêm toàn bộ thủy thủ đoàn đã được sơ tán, và nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra.

Hiện các nguồn tin độc lập vẫn chưa kiểm chứng thông tin từ cả hai bên. Nếu vụ tấn công được xác nhận, đây sẽ là chiến tích chống hạm lớn nhất của Ukraine trong gần hai tháng chiến sự.

Tạp chí Forbes cho biết trước chiến sự, Ukraine chỉ sở hữu một khẩu đội tên lửa Neptune.

Tuần dương hạm mang tên lửa Moscow thuộc dự án 1164 Atlant lớp Slava. Đây được coi là chiến hạm uy lực nhất của hải quân Nga.

Thậm chí nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ với một soái hạm Moscow hải quân Nga cũng có thể tạo ra mối đe dọa cho các tàu chiến NATO.

Nổi bật trong hệ thống vũ khí của tuần dương hạm này là 16 bệ phóng tên lửa chống hạm siêu thanh tầm xa P-1000 với tần bắn lên tới 700km.

Những tên lửa này có khả năng mang đầu đạn thông thường nặng 1 tấn hoặc đầu đạn hạt nhân 350 kiloton.

Với tốc độ bay mach 2,5, tên lửa này được coi là một trong những vũ khí chống tàu ngầm và tàu sân bay hiệu quả nhất thế giới hiện nay.

Trong suốt quá trình bay đến mục tiêu, tên lửa diệt hạm này được dẫn đường kết hợp quán tính và radar chủ động; các tham số về mục tiêu được hiệu chỉnh tự động thông qua hệ thống điều khiển được liên kết dữ liệu với máy bay Tu-95D hoặc trực thăng Ka-27B.

Bên cạnh hệ thống vũ khí chống hạm, các tuần dương hạm này còn được trang bị hệ thống tên lửa đối không tầm xa hiện đại.
Trong đó, 8 bệ phóng tên lửa đối không tầm xa S-300F (NATO gọi là SA-N-6 Grumble), tầm tác chiến chống máy bay là 150km và 30km chống tên lửa đạn đạo.
Hai hệ thống tên lửa đối không (phản ứng nhanh) OSA-MA, một hệ thống ở phía trước và một ở phía sau, tầm bắn tối đa là 15km, tầm cao tối đa là 12km.
Tuần dương hạm lớp Slava Project 1164 Atlant còn được trang bị một pháo hạm đa năng nòng kép AK-130-130mm, tầm bắn tối đa 23km chống lại các mục tiêu mặt nước, 15km chống máy bay, tốc độ bắn trung bình là 40 viên/phút.
6 pháo bắn siêu nhanh AK-630, có thể được thay thế bằng hệ thống phòng thủ tầm cực gần Kashtan.
Cùng với đó là 5 ống phóng ngư lôi kép 533mm, 2 hệ thống phóng rocket chống ngầm RBU-6000.
Đuôi tàu tuần dương hạm có bãi đáp và nhà chứa cho trực thăng chống ngầm Ka-27.

Trên tàu còn lắp đặt nhiều súng máy hạng nặng NSV cỡ nòng 12,7mm.

Về hệ thống điện tử, chiến hạm được trang bị hệ thống điều khiển điện tử tiến tiến gồm: radar tìm kiếm mục tiêu tầm xa đa chức năng 3D MR-800 Voshkod; radar tìm kiếm mục tiêu trên không MR-710 Fregat-MA.
Hệ thống điều khiển hỏa lực Volna/Top Dome, MPZ-301; các sonar tần số cao và siêu cao, có thể phát hiện và định vị vị trí, cũng như các thông tin về kỹ, chiến thuật các loại tàu ngầm, tầu nổi của đối phương trong phạm vi lên đến vài trăm hải lý.

Để cơ động, tuần dương hạm được trang bị hệ thống động cơ đẩy kết hợp tuabin khí COGOG, tổng công suất 120.000 mã lực. Tốc độ tối đa đạt 32 hải lý/giờ, tầm hoạt động 6.500 dặm (10.400 km).

Với khả năng công thủ toàn diện, chiến hạm Moscow được coi là niềm tự hào của hải quân Nga.