Nga nhận tiêm kích Su-57 đầu tiên với ‘trái tim khoẻ mạnh’ AL-51F?

ANTD.VN - Tập đoàn chế tạo máy bay Thống nhất (UAC) đã bàn giao tiêm kích Su-57 mới nhất cho Không quân Nga, chiếc phi cơ này được thông báo ứng dụng rất nhiều cải tiến, trong đó bao gồm động cơ mới.

Thông tin cũng như hình ảnh về việc bàn giao chiếc tiêm kích Su-57 nói trên đã được đăng tải trên trang web chính thức của Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec (công ty mẹ của UAC).

Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ năm đã vượt qua xuất sắc toàn bộ các bài thử nghiệm, xác nhận việc tuân thủ mọi đặc điểm thiết kế và chứng minh độ tin cậy cũng như hiệu suất của hệ thống điện tử hàng không.

Tiêm kích Su-57 được sản xuất tại nhà máy hàng không Komsomolsk-on-Amur (KnAAZ), nơi năng lực lắp ráp hiện đang được mở rộng thông qua hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, do vậy sản lượng ngày càng tăng cao.

Bên cạnh đó Nhà máy KnAAZ cũng đang thực hiện kế hoạch thuê tới 800 công nhân để tiến hành công việc lắp ráp những dòng máy bay chiến đấu thế hệ mới vào cuối năm 2024.

Tính đến đợt chuyển giao này, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã nhận được 5 lô tiêm kích chỉ riêng trong năm 2024, nhưng con số khó lòng vượt quá 10 chiếc, bởi vì số lượng mỗi đợt tiếp nhận chỉ là 1 - 2 máy bay.

Theo hình ảnh cung cấp, tiêm kích Su-57 mới nhất đã được trang bị giá phóng AKU-58U tương thích cùng lúc với 4 loại tên lửa không đối đất bao gồm Kh-29, Kh-58, Kh-59 và Kh-31.

Những loại đạn này không được thiết kế nhằm mục đích đặt ở khoang bên trong của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, vì chúng đã được phát triển trước khi tiêm kích Su-57 xuất hiện.

Không chỉ có vậy, tại Triển lãm Hàng không Chu Hải 2024 vừa diễn ra tại Trung Quốc, Su-57 đã lần đầu trình diễn khoang vũ khí nhỏ bên hông, tương thích tên lửa không đối không tầm ngắn thế hệ mới R-74M.

Nhưng đáng kể nhất là mới đây Tập đoàn Rostec thông báo rằng quá trình thử nghiệm động cơ mới cho chiếc chiến đấu cơ này đã hoàn tất và lô Su-57 tiếp theo sẽ được trang bị động cơ AL-51F1, hay còn gọi là Izdeliye 30.

Động cơ mới đã được kiểm tra trong phòng thí nghiệm, đánh giá khi lắp song song với loại AL-41F và cho kết quả cao trong lĩnh vực tàng hình hồng ngoại. Tính năng chính của “Sản phẩm 30” là khả năng đưa máy bay chiến đấu lên tốc độ siêu âm mà không cần bật chế độ đốt sau.

Động cơ AL-51F vẫn giữ lại những tính năng tốt nhất của mẫu AL-41F1 trước đó, bao gồm cả vector kiểm soát lực đẩy 3 chiều (3D TVC). Ngoài ra "trái tim" mới có lực đẩy tăng cao, cụ thể là 17,5 tấn so với 9 tấn trước đó.

Nhưng giờ đây, nhờ khả năng bay siêu âm với tốc độ trên Mach 1 khi không cần sử dụng bộ đốt sau, phạm vi hoạt động của máy bay chiến đấu đã được tăng lên đồng thời mức tiêu thụ nhiên liệu giảm đáng kể.

Kỹ sư trưởng của Cục thiết kế Saturn - ông A. Lyulka nhấn mạnh rằng xét về lực đẩy, AL-51F1 vượt trội tất cả các loại tương tự của nước ngoài. Chỉ số này sẽ cho phép Su-57 tăng khả năng chứa đạn khi thực hiện nhiệm vụ tầm xa.

Các chuyên gia lưu ý rằng chế độ bay hành trình ở tốc độ siêu âm mà không bật bộ đốt sau sẽ mang lại khả năng tiếp cận giới hạn sử dụng vũ khí trên máy bay, khiến Su-57 trở thành tiêm kích thế hệ năm có đầy đủ mọi yêu cầu như thiết kế ban đầu.

Mặc dù chưa có tuyên bố chính thức nhưng không loại trừ khả năng chiếc Su-57 vừa được bàn giao đã tích hợp sẵn động cơ AL-51F, hoặc nếu chưa thì việc này sẽ sớm diễn ra trong tương lai gần.