Nga hướng về châu Á

ANTĐ - Hiếm có khi nào mà người đứng đầu nước Nga và người đứng đầu cơ quan đối ngoại của Nga cùng một lúc lên tiếng bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ như vậy tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.    

Đang xây dựng thêm những đường ống dẫn khí từ Nga tới khu vực Viễn Đông

để cung cấp cho khu vực châu Á

Trong khi Tổng thống Dmitry Medvedev khẳng định “nước Nga là một phần không thể tách rời của châu Á-Thái Bình Dương” thì Ngoại trưởng Sergey Lavrov cũng tuyên bố “châu Á-Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga”. Tuyên bố của Ngoại trưởng Lavrov được đưa ra lúc đang ở thăm đảo quốc Fiji ngày 1-2 còn lời khẳng định của Tổng thống Medvedev được phát trong Thông điệp ngày2-2 nhân dịp Nga giữ chức Chủ tịch luân phiên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Không chỉ là một thông điệp mang tính ngoại giao, Tổng thống Medvedev đã nêu rõ những lĩnh vực ưu tiên mà Nga dành cho việc hợp tác mọi mặt với các nước trong khối APEC, từ thương mại đầu tư đến khoa học công nghệ, từ an ninh chính trị đến bảo tồn thiên nhiên. Người đứng đầu nước Nga cũng đề ra các biện pháp cụ thể để thúc đẩy sự hợp tác tổ chức kinh tế lớn nhất, đang chiếm tới 54% tổng GDP toàn cầu và 40% tổng thương mại quốc tế.

Như được khích lệ sau khi vừa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổng thống Medvedev cam kết sẽ thúc đẩy tự do hóa đầu tư và thương mại nội khối, trong đó Nga sẵn sàng dành hành lang vận tải của mình để tăng thương mại khối. Bên cạnh đó, ông cũng mong tăng cường đối thoại giữa các thành viên để đảm bảo an ninh chính trị và quân sự cũng như đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng.

Việc Nga lên tiếng khẳng định ưu tiên diễn ra trong bối cảnh Mỹ cũng vừa công bố chính sách đối ngoại mới, trong đó tuyên bố dành sự ưu tiên cao cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Lý giải về sự chuyển hướng ưu tiên này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết, khi mà cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan đang dần khép lại thì Mỹ cần dành mối quan tâm thích đáng tới khu vực đang được xem là trọng tâm của thế giới trong thế kỷ 21 này.

Là quốc gia rộng nhất thế giới và trải dài từ Âu sang Á, nước Nga tất nhiên không muốn chậm chân trong việc thúc đẩy quan hệ với một khu vực đang trỗi dậy mạnh nhất, đồng thời hội tụ 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thế nên, trước khi thấy các nhà lãnh đạo công khai tuyên bố về chính sách ưu tiên châu Á-Thái Bình Dương, Nga cũng đã có nhiều chính sách và biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác với khu vực.

Nga chủ trương mở cửa miền Viễn Đông để thu hút đầu tư nước ngoài; áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, đưa ra các hạng mục hợp tác, thành lập các khu vực kinh tế tự do ở các miền ven biển Viễn Đông; nhất là dùng ưu thế về dầu mỏ và khí đốt để gia tăng hợp tác. Nga cũng đồng thời cải thiện và phát triển quan hệ song phương và đa phương với các nước châu Á-Thái Bình Dương, coi trọng xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các nước có quan hệ truyền thống trong khu vực như Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ.

“Khu vực của chúng ta là tiền đồn trong tăng trưởng toàn cầu. Nga với tư cách là Chủ tịch đương nhiệm của Diễn đàn APEC sẽ làm tất cả những gì có thể để củng cố vị trí hàng đầu này của khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, Tổng thống Medvedev khẳng định.