Nga gặp rắc rối nghiêm trọng khi giá trần dầu mỏ bị hạ xuống mức 50 USD?

ANTD.VN - Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng, nếu giá trần dầu mỏ tiếp tục bị hạ thấp sẽ gây ra nhiều hệ lụy đối với Nga.

Vào cuối tháng 3/2023, các quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới thuộc nhóm G7 dự kiến sẽ nhóm họp để điều chỉnh lại mức giá trần đối với mặt hàng dầu thô xuất khẩu của Nga.

Thông tin trên được bà Elizabeth Rosenberg - Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ công bố tại hội nghị năng lượng quốc tế CERAWeek diễn ra ở Houston.

Hiện tại chưa có thông tin chi tiết, tuy nhiên các nhà quan sát đồng ý rằng giá trần nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh ở mức 50 USD/thùng. Kể từ ngày 5/12/2022, con số này được ấn định là 60 USD.

Theo Cố vấn Tổng thống Mỹ về các vấn đề an ninh năng lượng - ông Amos Hochstein: "Quá trình đang được tiến hành, và đây là cái hay của nó: dầu mỏ và các sản phẩm chế xuất của Nga được bán dưới ngưỡng quy định".

Trên thực tế, nhiệm vụ sửa đổi giá trần đã được ấn định trong các tài liệu của Liên minh Châu Âu và tần suất được xác định là hai tháng một lần.

Ông Artem Deev - người đứng đầu bộ phận phân tích tại công ty AMarkets cho biết, đây cũng không phải tin mới bởi vì Mỹ luôn nói rằng mục tiêu của các biện pháp trừng phạt là cắt giảm thu nhập của Nga và không tạo cơ sở cho sự thiếu hụt trên thị trường hàng hóa.

Theo ý kiến ​​​​của ông Deev, giá cận biên sẽ được điều chỉnh thành 50 USD một thùng, nếu không muốn nói là có thể còn thấp hơn nữa.

“Đối với nền kinh tế Nga, quyết định này sẽ có hai hậu quả. Thứ nhất, Moskva sẽ phải giảm sản lượng khai thác vì ở một số mỏ sẽ không có lãi (mức lợi nhuận có thể ở mức khoảng 40 USD, nếu cộng thêm phí vận chuyển và bảo hiểm thì ngang mức 50 USD một thùng).

Nếu điều này xảy ra, việc giảm sản lượng 500.000 thùng mỗi ngày đã được công bố chính thức trước đó sẽ không dừng lại: Nga sẽ cần phải cắt giảm nhiều hơn nữa - xuống còn 1 triệu thùng mỗi ngày.

Như vậy sản lượng khai thác dầu của Nga sẽ giảm 5 - 15% so với mức 10 triệu thùng/ngày hiện nay. Theo đó, số thu vào ngân sách từ thuế khai thác khoáng sản và các loại phí khác sẽ giảm.

Và quan trọng nhất, giá dầu xuất khẩu rẻ hơn sẽ dẫn đến việc nguồn thu từ dầu khí của Kho bạc Nhà nước Nga vốn đã giảm một nửa so với năm ngoái sẽ còn giảm sâu hơn nữa.

Cho đến nay, Bộ Tài chính Nga đang cố gắng bù đắp thông qua việc bán nhân dân tệ và vàng, nhưng với tốc độ này, dự trữ của Quỹ phúc lợi quốc gia sẽ cạn kiệt nhanh hơn và thậm chí sẽ không đủ cho một năm rưỡi đến hai năm như giả định trước đây.

Theo ông Deev, thâm hụt ngân sách Nga sẽ lên tới 2,6 nghìn tỷ Ruble chỉ riêng trong một tháng tới nếu mức giá trần có hiệu lực (so với kế hoạch cả năm là 2,9 nghìn tỷ Ruble), và cả năm sẽ vượt quá 5 nghìn tỷ Ruble.

Lỗ hổng lớn này sẽ buộc chính phủ Nga phải củng cố ngân sách cho năm 2023, tức là cắt giảm mạnh các hạng mục chi tiêu.

Chắc chắn sẽ phải có những biện pháp thắt lưng buộc bụng, gây tăng gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp cũng như hộ gia đình. Dự báo sẽ có một đợt tăng giá nhiên liệu đối với người tiêu dùng bình thường và gây ra một đợt lạm phát khác.