Nga gặp rắc rối lớn nếu Không quân Ukraine chưa phá hủy phi đội oanh tạc cơ chiến lược

ANTD.VN - Không quân Ukraine thời điểm hiện tại chỉ còn là cái bóng của chính mình với quy mô chưa được 1/10 so với giai đoạn hậu Liên bang Xô Viết, khiến họ hoàn toàn lép vế trước Nga trong cuộc chiến.

Sự suy tàn của Không quân Ukraine khiến họ phải chịu rất nhiều bất lợi trước Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga kể từ khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” được Moskva phát động.

Sau khi Liên Xô tan rã, tại thời điểm năm 1992, Không quân Ukraine là lực lượng có quy mô hàng đầu châu Âu với 2.800 máy bay các loại, chỉ đứng sau Mỹ, Nga và Trung Quốc với hơn 10 sư đoàn, 49 trung đoàn và 11 đơn vị độc lập.

Tuy nhiên ngân sách quốc phòng của Ukraine cũng như tình hình kinh tế không cho phép duy trì một lực lượng lớn đến vậy, rất nhiều máy bay sau đó đã không thể hoạt động và được đưa vào chế độ niêm cất bảo quản.

Không quân cũng như Chính phủ Ukraine khi đó đã có một quyết định được đánh giá là sai lầm lớn, đó là ngoài số máy bay ném bom chiến lược trả về Nga thì họ còn phá hủy tới 25 chiếc Tu-95, 19 chiếc Tu-160, hơn 100 vận tải cơ Il-76 cùng 20 máy bay tiếp dầu Il-78.

Phần lớn trong tổng số 2.800 máy bay của Ukraine hiện đã không còn hoạt động, ngoài số niêm cất như đã kể trên thì một lượng đáng kể khác đã được bán cho nước ngoài cùng xe tăng, tên lửa hay những vũ khí tinh hoa dưới thời Liên Xô.

May mắn hơn những chiếc Tu-95, Tu-22M3 hay Tu-160 đã bị phá hủy, một số máy bay loại này được đưa vào bảo tàng để làm chứng tích về một thời huy hoàng và hùng mạnh của Không quân Ukraine.

Xét trên tổng thế vào thời điểm hiện tại, việc “tự hủy” đã khiến Lực lượng vũ trang Ukraine nói chung và không quân nói riêng chỉ còn là một cái bóng nhạt nhòa so với thời kỳ hậu Liên bang Xô Viết.

Theo dữ liệu năm 2013, trong biên chế Không quân Ukraine chỉ còn khoảng 72 máy bay trực thăng lẫn vận tải, đáng kể nhất là phi đội tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-27, khi còn khoảng 167 chiếc thuộc các phiên bản khác nhau.

Mặc dù quy mô đã giảm đi rất nhiều nhưng để nuôi sống lực lượng trên vẫn là quá sức đối với Không quân Ukraine, khiến họ phải đi xin viện trợ của phương Tây để duy trì các phi đội của mình.

Đến giai đoạn xung đột miền Đông, thực tế đáng buồn được chỉ ra đó là chỉ có 20% số máy bay của Ukraine còn hoạt động được, số khác phải nằm đất do tình trạng kỹ thuật không đảm bảo, khiến tần suất hoạt động của họ trên chiến trường rất thấp.

Sau đó mặc dù Ukraine đã tích cực hiện đại hóa và tái trang bị một vài tiêm kích trong tình trạng lưu kho, tuy nhiên quá trình này không thể tiến hành một cách ồ ạt do thiếu kinh phí và lượng máy bay dự trữ không nhiều.

Theo số liệu thống kê, chỉ có 13 máy bay được đưa trở lại thành phần trực chiến, Ukraine thậm chí còn phải tính đến phương án mua chiến đấu cơ từ nước ngoài. Đây rõ ràng là một cái kết buồn cho lực lượng hùng mạnh bậc nhất châu Âu trước kia.

Giới chức quân sự cũng như người dân Ukraine cho rằng nếu họ cố gắng duy trì quy mô quân đội hợp lý và không bán đi quá nhiều trang thiết bị quân sự thì sẽ chẳng phải đối diện cuộc chiến hiện nay.

Thậm chí trong trường hợp chiến tranh là không thể tránh khỏi, nếu sức mạnh Không quân Ukraine chỉ cần bằng khoảng 25% so với trước kia thì chắc chắn họ cũng tránh được việc bị lép vế hoàn toàn trước Nga như hiện nay.