Nga đối phó ra sao nếu châu Âu chấm dứt hoàn toàn việc mua khí đốt?

ANTD.VN - Khí đốt Nga đang đối diện nguy cơ bị châu Âu ngừng mua hoàn toàn, nhưng có lẽ Điện Kremlin đã dự trù điều này từ trước và có những bước đi đối phó thích hợp.

Trong tương lai không xa, viễn cảnh khí đốt Nga vắng bóng hoàn toàn khỏi thị trường châu Âu là điều đã được nhắc tới, nếu vậy Moskva sẽ có những bước đi cụ thể nào nhằm đối phó?

Thị trường khí đốt châu Âu và thế giới vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi mối đe dọa liên quan đến giá nhiên liệu xanh và an ninh năng lượng do nguồn cung từ Nga suy giảm mạnh.

Bên cạnh bất ổn do xung đột quân sự Ukraine tạo ra, thị trường khí đốt tiếp tục biến động khiến người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu nhiên liệu phải chịu tác động từ tình trạng bất ổn hiện nay.

Moskva được cho là đã quyết định giảm sự hiện diện tại các thị trường truyền thống vì Điện Kremlin đã dự trù trường hợp châu Âu sẽ từ bỏ khí đốt để gây bất lợi cho mình.

Hiện Nga đang chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang châu Á, trong khi châu Âu tiếp tục nhập khẩu mặt hàng này từ những đối tác mới, đó là Mỹ, các nước Trung Đông hay thậm chí là từ Na Uy.

Tuy nhiên các chuyên gia năng lượng cho rằng mối nguy hiểm đối với nguồn cung vẫn chưa kết thúc và mùa đông sẽ bắt đầu vào cuối năm nay có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường khác.

LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) nhập khẩu từ Mỹ được cung cấp ít hơn nhiều lần so với lượng khí mua từ Nga. Ở chiều đối diện, Nga đang có kế hoạch B về xuất khẩu.

Các nhà phân tích lưu ý, trong trường hợp một hoặc nhiều kịch bản tiêu cực xảy ra vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, EU đã nắm trong tay những lá bài quan trọng.

Cần nhấn mạnh, mặc dù đây không phải là con át chủ bài, nhưng tác động mang lại vẫn là rất đáng kể và không nên bị xem thường.

Chúng bao gồm việc áp dụng các biện pháp tiết kiệm nhiên liệu, mở rộng công suất năng lượng tái tạo, cũng như khôi phục việc sử dụng năng lượng hạt nhân và thủy điện, vốn ở mức rất thấp vào năm 2022.

Như đã thấy, khi châu Âu tìm cách thoát khỏi tình huống khó khăn sẽ dẫn đến việc làm giàu cho các nhà cung cấp lớn ở nước ngoài.

Liên minh châu Âu sẽ phải chi tiêu lớn từ ngân sách của các quốc gia thuộc khối, và rõ ràng đây hoàn toàn không phải là điều mà Brussels mong muốn.

Bên cạnh đó, thời tiết ấm áp đã có tác dụng hạ nhiệt cơn sốt năng lượng rất đáng kể, nhưng điều này có nguy cơ sẽ không xảy ra vào cuối năm nay, cho nên khí hậu bị xem là một yếu tố hoàn toàn không đáng tin cậy.

Tuy nhiên theo giới phân tích, giờ đây những lời kêu gọi tiết kiệm và đe dọa bởi khủng hoảng sẽ không còn tác dụng như trước nữa.

Những dự báo chưa được thực hiện vào năm ngoái đã gieo rắc sự hoài nghi theo hướng tiêu cực, vì vậy toàn bộ tình hình vẫn đang phát triển theo kịch bản tồi tệ nhất đối với EU.