Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ đang nỗ lực tăng cường năng lực phòng thủ, sau khi New Delhi đã mua hệ thống phòng không S-400 của Nga để đảm bảo an ninh biên giới.
Quyết định của Ấn Độ về việc có chấp nhận lời đề nghị của Nga hay không vẫn chưa được đưa ra.
Thỏa thuận này có thể phải đối mặt với sự giám sát do các lệnh trừng phạt tiềm tàng của phương Tây, cũng như New Delhi phải cân nhắc về địa chính trị khi hợp tác với Moscow, trong bối cảnh xung đột Đông Âu vẫn đang phức tạp.
Dù vậy, động thái thúc đẩy mới này cho thấy tầm quan trọng của hệ thống S-500 trong cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa siêu thanh.
Việc sản xuất chung S-500 được đề xuất gợi nhớ đến dự án tên lửa BrahMos, một sự hợp tác quốc phòng khác giữa Ấn Độ và Nga rất thành công.
Hệ thống S-500 được Nga phát triển từ năm 2009 với tính năng đánh chặn ưu việt, chúng sẽ dùng để thay thế S-300, S-350 và S-400.
Truyền thông Nga cho rằng, S-500 là hệ thống đánh chặn mạnh nhất thế giới và vượt xa các đối thủ hiện nay của phương Tây và Trung Quốc.
Tuy vậy trong suốt thời gian dài không có bất cứ hình ảnh chính thức nào của S-500 được Nga công khai, nên gây ra không ít nghi ngờ về sự tồn tại của hệ thống đánh chặn tầm xa cực mạnh này.
Nga chỉ rò rỉ một vài hình ảnh đồ họa mô phỏng hệ thống S-500 với loại đạn tên lửa tầm xa được thiết kế đặc biệt, và mỗi xe mang phóng chỉ có thể mang theo 2 đạn thay vì 4 đạn như hệ thống S-300, S-400.
Đạn tên lửa của S-500 cũng có thiết kế khác hẳn với hệ thống đánh chặn trước đây. Mãi tới ngày 20/07/2021 hình ảnh thực tế về hệ thống S-500 đang khai hỏa mới được Nga công khai.
"Trên thế giới chưa có tổ hợp tương tự S-500 trong đối phó vũ khí tấn công hàng không của đối thủ về tầm cao lẫn tốc độ mục tiêu", Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.
Nga phát triển tổ hợp S-500 Prometey để thực hiện cả nhiệm vụ phòng không và đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Trong nhiệm vụ phòng không, S-500 có tầm bắn 400 km, đủ sức tiêu diệt mục tiêu ở độ cao tối đa 40 km và tốc độ 25.200 km/h, cho phép bắn hạ mọi tiêm kích vượt âm trên thế giới.
Đối với nhiệm vụ phòng thủ tên lửa đạn đạo, S-500 đạt tầm bắn khoảng 500-600 km, có thể theo dõi 20 mục tiêu cùng lúc và chặn đồng thời 5-10 tên lửa đạn đạo ở giai đoạn cuối hoặc giữa hành trình.
S-500 còn được phát triển để bắn hạ vệ tinh ở quỹ đạo thấp quanh Trái Đất, cũng như các mục tiêu trong không gian nhằm đối phó với vũ khí vũ trụ của Mỹ.
S-500 được trang bị radar quản lý chiến đấu 91N6A(M), radar thu thập thông tin 96L6-TsP phiên bản cải tiến và radar đa chế độ 76T6 cũng như radar chuyên dụng chống tên lửa đạn đạo 77T6.
Tất cả các hệ thống này sẽ được tích hợp trong một hệ thống hợp nhất, giúp S-500 "săn mồi" tốt hơn.
Giới chuyên gia nhận định, S-500 sẽ giúp bảo vệ khu vực biên giới Nga với NATO khỏi các mối đe dọa tên lửa đạn đạo.
Họ cũng cho rằng, S-500 không thể được xem là hệ thống "kế nhiệm" S-400 một cách thuần túy, vì nó là vũ khí hoàn toàn mới, được thiết kế để thực hiện hàng loạt hoạt động tác chiến chiến lược.
S-500 đã bắt đầu được trang bị cho quân đội Nga để phối hợp với S-300 và S-400 tạo thành lưới lửa phòng không cực mạnh.
Cũng giống như S-300 và S-400, hệ thống S-500 cũng sẽ được Nga bán cho đồng minh.