Nga công nhận các vùng ly khai Ukraine: Năm dấu mốc lớn sau Maidan 2014

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Việc Nga công nhận DPR và LPR là hai quốc gia độc lập vào ngày 21/2/2022 là một chặn đường dài với 5 dấu mốc lớn kể từ sau biến cố Maidan 2014.

Bắt đầu vào tháng 4/2014 trong bối cảnh cư dân ở các vùng Donetsk và Lugansk của Ukraine từ chối công nhận một chính phủ mới ở nước này lên nắm quyền sau cuộc đảo chính Euromaidan tháng 2/2014, xung đột giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai Donbass đã nhiều lần bùng phát rồi lắng xuống, rồi lại leo thang nghiêm trọng vào tháng 2 năm nay, dẫn tới việc Nga tuyên bố công nhận nền độc lập của hai nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk ly khai vào ngày 21/2/2022.

Tháng 4/2014: Cuộc chiến bùng phát

Hỗn loạn ở Ukraine bắt đầu diễn ra sau cuộc đảo chính trên Quảng trường Maidan, lật đổ chính quyền của Tổng thống hợp Hiến Viktor Yanukovych, lập nên chính phủ thân phương Tây ở Kiev vào tháng 2/2014.

Trong khi chính phủ mới ở Ukraine nhanh chóng được các cường quốc phương Tây công nhận, nhiều cư dân ở bán đảo Crimea và hai tỉnh Donetsk và Lugansk, thuộc vùng Donbass của nước này dường như không muốn tuân theo.

Đại diện của cư dân hai tỉnh Donbass tuyên bố không công nhận chính quyền trung ương ở Kiev và lập chính quyền tự quản của mình, đồng thời tự vũ trang để bảo vệ vùng đất của mình.

Sự bất mãn với chính quyền được dựng lên bằng đảo chính ở Kiev là nguồn cơn dẫn đến việc thành lập các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LPR).

Nga công nhận DPR và LPR (Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng) là hai quốc gia độc lập
Nga công nhận DPR và LPR (Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng) là hai quốc gia độc lập

Tháng 5/2014: DPR và LPR tự tuyên bố thành lập

Xen giữa các cuộc đụng độ giữa những người dân tự vũ trang của DPR và LPR với lực lượng chính phủ Ukraine, hai nước cộng hòa tự xưng đã tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết vào ngày 11/5/2014 và tuyên bố về nền độc lập của mình vào ngày hôm sau.

Đáp lại, Kiev đã triển khai các lực lượng vũ trang chính quy và cái gọi là “lực lượng tiễu phạt” (các đội quân tư nhân do các trùm tài phiệt thành lập) tổ chức thành một “Chiến dịch chống khủng bố” nhằm nỗ lực đưa các khu vực ly khai này trở lại, bắt đầu sử dụng vũ khí hạng nặng và máy bay quân sự khiến cuộc xung đột ở miền đông Ukraine leo thang nhanh chóng.

Tháng 9/2014: Thỏa thuận Minsk-1

Nỗ lực của Kiev nhằm đè bẹp các lực lượng DPR và LPR thông qua vũ lực đã không thành công, vì mặc dù đông hơn và mạnh hơn nhưng quân đội Ukraine và các nhóm bán quân sự tư nhân đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt của “Lực lượng Dân quân Donbass”.

Thất bại trong giai đoạn này đã dẫn tới việc ký kết “Thỏa thuận Minsk-1”, do Nhóm liên lạc ba bên về Ukraine (Ukraine, Liên bang Nga, và Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu) và những người đứng đầu DPR và LPR ký tại thủ đô của Belarus, nhằm triển khai một lệnh ngừng bắn.

Tuy nhiên, Thỏa thuận Minsk-1 không ngăn chặn được giao tranh trong khu vực tiếp diễn khi chính quyền Kiev bỏ qua con đường đàm phán, thương lượng và quyết tâm thu hồi lại 2 tỉnh Donetsk và Lugansk bằng vũ lực.

Tháng 2/2015: Thỏa thuận Minsk-2

Sau nhiều tuần giao tranh, một thỏa thuận ngừng bắn và hòa bình toàn diện đã được ký kết tại Minsk bởi Ukraine và ba quốc gia bảo lãnh: Nga, Đức và Pháp. Thỏa thuận này, thường được gọi là “Thỏa thuận Minsk-2”, đã tạm dừng giao tranh ở Donbass, nhưng không giải quyết được các bất đồng, thay vào đó biến nó thành một “cuộc xung đột bị đóng băng”.

Cho đến nay, chính quyền Kiev đã từ chối thực hiện phần chính trị của thỏa thuận, và không tiến hành cải cách hiến pháp với yêu cầu trao cho các nước cộng hòa tự xưng một quyền tự trị rộng rãi hơn, để đổi lấy việc DPR và LPR vẫn thuộc về chủ quyền của Ukraine.

Trong suốt cuộc xung đột, chính phủ Ukraine đã nhiều lần cáo buộc Nga hỗ trợ quân sự cho lực lượng dân quân DPR và LPR, thậm chí còn trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột.

Moscow đã liên tục phủ nhận các cáo buộc và Kiev đã không thể cung cấp bằng chứng hữu hình để chứng minh cho các tuyên bố của mình.

Nhưng Điện Kremlin chưa bao giờ che giấu việc Nga cung cấp viện trợ nhân đạo cho DPR và LPR, mà Moscow trước đây vẫn không công nhận là các nhà nước độc lậ và luôn coi là một phần lãnh thổ của Ukraine.

Tháng 2/2022: Nga công nhận nền độc lập của DPR và LPR

Cho đến lần leo thang gần đây nhất, tình hình ở Donbass vẫn trong tình trạng lấp lửng, khi các cuộc đấu súng nhỏ lẻ thường xuyên giữa các bên và các báo cáo về các cuộc pháo kích trở thành chuyện thường xuyên.

Tuy nhiên, vào ngày 17/2/2022, các lực lượng Ukraine đã tăng cường pháo kích vào các lãnh thổ DPR và LPR, đánh vào các mục tiêu dân sự và khiến chính quyền địa phương bắt đầu một cuộc di tản tạm thời hàng loạt phụ nữ và trẻ em sang tỉnh Rostov của Nga.

Hàng nghìn dân thường, hầu hết là trẻ em, đã sang nước láng giềng để tìm kiếm sự an toàn, trong khi những người đàn ông đã được chính quyền DPR và LPR kêu gọi cầm vũ khí và bảo vệ các nước cộng hòa trước một cuộc tấn công lớn sắp xảy ra của quân đội chính quyền Kiev, với sự hậu thuẫn chính trị và viện trợ vũ khí của Mỹ-NATO.

Do tình hình trong khu vực tiếp tục xấu đi và chênh lệch cán cân lực lượng, chính quyền DPR và LPR đã chính thức yêu cầu Nga công nhận nền độc lập của họ. Trước nguy cơ lớn đến với 2 vùng lãnh thổ đa phần là cư dân Nga sinh sống, Moscow không còn cách nào khác là đáp ứng yêu cầu của họ, và Tổng thống Nga Vladimr Putin ngày 21/2 đã ký sắc lệnh công nhận DPR và LPR.