Nga có thể đẩy Mỹ vào tình thế vô vọng trong cuộc xung đột Ukraine

ANTD.VN - Cuộc xung đột Ukraine theo đánh giá sẽ không mang đến kết cục tốt đẹp cho Mỹ, thậm chí còn trở nên vô vọng đối với Washington.

Mỹ có thể rơi vào tình thế vô vọng trong cuộc xung đột Ukraine do kế hoạch hành động của Nga, chuyên gia địa chính trị Leon Hadar đưa ra nhận định này trong bài viết đăng trên ấn phẩm National Interest (NI).

Thời gian gần đây, Mỹ tích cực thông tin về việc Nga có thể sử dụng vũ khí chiến lược. Song theo chuyên gia Leon Hadar, phương Tây không nên so sánh tình hình hiện tại ở Ukraine với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Nguyên nhân là bởi vì Moskva có thể giải quyết vấn đề của mình chỉ bằng vũ khí thông thường, ông Hadar quả quyết.

“Một siêu cường ở cấp độ toàn cầu như Nga hoàn toàn đủ khả năng giải quyết vấn đề mà không cần sử dụng đến vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc chiến lược".

"Nga có thể đặt Washington vào tình thế vô vọng chỉ bằng cách sử dụng toàn bộ sức mạnh vũ khí thông thường của họ trên đất Ukraine, đặc biệt khi kho dự trữ của Moskva từ thời Liên Xô còn rất nhiều”, nhà phân tích của ấn phẩm Mỹ cho biết.

Chuyên gia Leon Hadar cho rằng Nga - trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, đã không sử dụng hết toàn bộ sức mạnh của các loại vũ khí thông thường của mình.

Để đạt được một kết quả tương đối chấp nhận được, Mỹ sẽ phải can thiệp quân sự trực tiếp vào cuộc xung đột, hoặc Washington cần phải lùi bước và buộc Kyiv phải bắt đầu đàm phán với Moskva.

“Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh NATO có thể thấy mình ở một vị trí mà sự lựa chọn duy nhất có sẵn cho họ là phải can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột, đây rõ ràng là kịch bản ác mộng”, chuyên gia Hadar nhận xét.

Nếu Tổng thống Mỹ Joe Biden phát lệnh đưa lực lượng tác chiến đến Ukraine thì Quân đội Mỹ trong mọi trường hợp sẽ đối diện với viễn cảnh bị tổn thất nặng nề.

Kết quả là tất cả những hành động như vậy sẽ gây ra một làn sóng bất bình trong chính nước Mỹ, cũng như làm tăng nguy cơ leo thang khi bùng nổ xung đột quân sự sau đó có nguy cơ lan khắp toàn cầu.

“Có thể chiến lược của Nga là buộc chính quyền Tổng thống Biden, Quốc hội, công chúng Mỹ, cũng như các đồng minh châu Âu phải đi tới một quyết định khó khăn".

"Đó là liệu họ có sẵn sàng mạo hiểm đối đầu trực tiếp với Nga ở Ukraine, hay từ chối và gây áp lực buộc Kyiv phải thực hiện đàm phán và nhượng bộ Moskva?”, chuyên gia Leon Hadar đặt câu hỏi.

Nhưng ở chiều ngược lại, có ý kiến khác cho rằng bên đang phải chịu bất lợi là Nga, khi Mỹ và các đồng minh mới chỉ đứng ngoài và cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng Moskva đã phải chịu tổn thất không nhỏ.

Cuộc xung đột Ukraine không hề diễn ra theo cách mà Nga hình dung ngay từ đầu, Moskva đã phải phát lệnh động viên thêm 300 nghìn quân, khôi phục nhiều phương tiện tác chiến cũ... nhưng chưa có gì đảm bảo sẽ giành được chiến thắng trong tương lai.