Nga bấm bụng bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, thương vụ "đu dây thế kỷ" của các bên

ANTD.VN - Trong thương vụ S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, giới quan sát cho rằng các bên đều đang có những bước đi đầy toan tính với cả mừng vui và âu lo. Đây được coi là thương vụ thế kỷ về vũ khí.

Chưa bao giờ thương vụ vũ khí lại gây ồn ào như việc Nga bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi lẽ Nga đã bán tinh hoa công nghệ vũ khí mạnh nhất cho một thành viên NATO, vốn là đối thủ tiềm tàng của mình.

 Cuối cùng thì thương vụ S-400 trị giá 2,5 tỷ USD giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã được ký kết.

Ngày 29-12, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết một thỏa thuận về việc Moscow sẽ cấp cho Ankara các khẩu đội tên lửa đất đối không tầm xa S-400. 

Phía Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định thỏa thuận này sẽ thiết lập quan hệ hợp tác quân sự chặt chẽ giữa một thành viên của NATO với Nga.

Thỏa thuận S-400 có trị giá 2,5 tỷ USD và có hiệu lực trong hơn 1 năm, đang khiến cho các nước phương Tây lo ngại vì hệ thống này không thể hợp nhất với kiến trúc quân sự NATO. 

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này chỉ mua 2 khẩu đội S-400 và hệ thống này sẽ được vận hành độc lập bởi các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ.

Có thể nói thương vụ S-400 là thương vụ thế kỷ. NATO đã cảnh báo những hậu quả khi Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400.

Song Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vẫn khẳng định mối quan hệ vững chắc với NATO trong khi vẫn mua vũ khí Nga. 

Không giống như các loại vũ khí khác, hệ thống phòng không vốn phức tạp và đòi hỏi sự liên kết chia sẻ các dữ liệu giữa các thành viên NATO để tạo thành lưới lửa vững chắc bảo vệ toàn khối. 

Vì vậy điều lo lắng của NATO cũng là hiển nhiên

Theo những thỏa thuận của các thành viên NATO, họ sẽ được chia sẻ những dữ liệu bí mật về lưới lửa phòng vệ được khối này xây dựng ở các những nơi công khai và bí mật.

Là thành viên NATO, đương nhiên Thổ Nhĩ Kỳ cũng được hưởng những quy chế này, tuy nhiên điều khó khăn là S-400 không được sản xuất theo chuẩn của NATO. 

Muốn liên kết dữ liệu buộc NATO phải cung cấp những thông số dữ liệu cho Nga là nước sản xuất hoặc ngược lại Moscow phải cung cấp cho khối quân sự này.

Việc đòi Nga cung cấp là điều khó xảy ra.

Nhưng nếu NATO cung cấp cho Nga thì không khác gì việc họ công khai mạng lưới phòng không cho đối thủ.

Tuy vậy không phải NATO không được lợi, nhân cơ hội Thổ Nhĩ Kỳ có trong tay S-400, Mỹ và NATO chắc chắn sẽ bắt lấy cơ hội vàng để khám phá và đưa ra phương thức phòng tránh, ứng phó với hệ thống tối tân này.

Hiện nay Mỹ và NATO dường như không lo lắng lắm về hệ thống S-300. Có thông tin cho rằng sau khi một số thành viên Đông Âu gia nhập khối NATO, Mỹ và khối này đã bắt tay ngay vào nghiên cứu hệ thống S-300 vốn có của những nước này.

Từ đó họ đã đưa ra được phương thức phòng tránh hiệu quả.

Không những vậy, Mỹ còn san sẻ bí mật này cho Israel, vì thế việc Nga bán hệ thống S-300 cho Iran không còn là mối bận tâm hàng đầu cho Tel-Aviv nữa.

Về phần Nga, thương vụ bán thành công S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ Moscow đã lần đầu tiên chia rẽ được sự thống nhất của khối này trong những vấn đề quan trọng.

Ngoài ra họ cũng bán được vũ khí với giá trị lớn, 2,5 tỷ USD là con số không nhỏ cho nền công nghiệp quốc phòng Nga.

Và Nga cũng tuyên bố thẳng rằng họ sẽ chỉ chuyển giao hệ thống S-400 phiên bản rút gọn và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể can thiệp vào sâu hệ thống mà không có sự cho phép từ phía Nga.

Nhưng Nga cũng phải đối mặt với rủi ro, dù muốn dù không thì khi S-400 rơi vào tay Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị Mỹ và NATO khám phá tính năng qua việc "mục sở thị", từ đó hệ thống này không còn là yếu tố bất ngờ nếu xảy ra xung đột.

Hơn nữa dù 2,5 tỷ USD của thương vụ rất lớn nhưng Nga cũng không được nắm "tiền tươi thóc thật", Nga sẽ phải cho Thổ Nhĩ Kỳ "chịu" tới 55% giá trị hợp đồng.

Vì vậy có thể nói Nga cũng không hưởng lợi trọn vẹn trong thương vụ thế kỷ này.

Cuối cùng là Thổ Nhĩ Kỳ, quyết định mua S-400 được cho là mang màu sắc chính trị nhiều hơn là sự lo lắng cho an nguy của bầu trời nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ đã từng liên hệ với NATO để mua các hệ thống phòng không. Tuy nhiên, Mỹ đã không bán mà chỉ đồng ý đưa các hệ thống này đến đặt trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ để làm cái ô che chở của khối cho nước này. 

Sau đó, vì lý do chính trị, Mỹ và Đức đã thu hồi các tổ hợp Patriot để làm con bài gây áp lực chính trị với chính quyền của ông Erdogan. 

Không chịu khuất phục điều này, ngay lập tức Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm đến Nga để mua hệ thống phòng không S-400.

Việc quyết định mua của Nga là nhằm trả đũa cho những gì mà Mỹ và NATO đã gây sức ép lên ông Erdogan, thậm chí vị tổng thống này còn lên án Mỹ tiếp tay cho vụ "lật đổ hụt" ông xảy ra vào hai năm trước.

Mặt khác quyết định mua S-400 sẽ phần nào làm rạn nứt mối quan hệ trong khối NATO nói chung và Thổ Nhĩ Kỳ với khối này nói riêng.

Chưa hết có khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ nhận được phiên bản S-400 rút gọn như chính những gì mà Nga công bố. Nếu vậy phiên bản này chỉ nhỉnh hơn một chút so với S-300 và còn thua cả hệ thống Patriot phiên bản mới nhất.

Nếu Nga không chịu chuyển giao một phần kỹ thuật để Thổ Nhĩ Kỳ bảo trì và sử dụng S-400 điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ phải hoàn toàn phụ thuộc vào Nga.

Vì vậy dù được đánh giá là thương vụ thế kỷ nhưng các bên đều có niềm vui và nỗi lo riêng, họ sẽ phải sáng suốt từng bước đi để khỏi bị thất thế trước các đối thủ.