Bày tỏ quan ngại về sự cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của một số bộ, ngành, ý kiến của không ít đại biểu lưu ý tình trạng một số văn bản quy phạm pháp luật hoặc còn có nhiều quy định theo hướng tạo thuận lợi cho việc quản lý của cơ quan công quyền, đẩy khó khăn về phía người dân, trong khi bộ máy hoạt động là để phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất khẩu. Nếu không sớm “chặt gốc, cắt rễ” sự tự tung tự tác của lợi ích nhóm thì khó hy vọng tình hình tài chính - ngân hàng và kinh tế sẽ khá lên.
Trước một loạt “đại án” liên quan đến ngân hàng, dư luận không thể không đặt nghi vấn về nhóm lợi ích. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã từng lên tiếng về thực trạng tồn tại và thao túng của nhóm lợi ích, trong khi các doanh nghiệp sống dở, chết dở, phá sản thì ngân hàng vẫn nhởn nhơ, lãi to. Mặc dù nhiều vụ sáp nhập, hợp nhất ngân hàng đã được thực hiện, song theo một vài chuyên gia tài chính ngân hàng, quá trình này không giúp giảm tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Qua sở hữu chéo, nhiều giao dịch ngân hàng, hoạt động tín dụng đã biến tướng, làm nảy sinh nhiều thách thức. Có ý kiến cho rằng, nếu mạnh tay xử lý sở hữu chéo dễ dẫn đến đổ vỡ hệ thống ngân hàng, bởi các chân rết còn nhiều và phức tạp.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, nếu có xảy ra cũng chỉ nhất thời. Đó cũng là cái giá phải trả cho quá trình tái cơ cấu ngân hàng để có một hệ thống lành mạnh hơn và đủ sức cạnh tranh. Còn nếu vẫn mang tâm lý sợ đổ vỡ thì sẽ rất khó xử lý triệt để bài toán sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Để tìm ra mối dây dợ sở hữu chéo chằng chịt, các cơ quan thanh tra phải đi vào ngóc ngách để tìm hiểu xem tiền của các cổ đông mua cổ phần của ngân hàng là từ đâu? Tiền trên tài khoản là tiền tiết kiệm hay từ các nguồn thu bán các tài sản khác để mua cổ phần, cổ phiếu của ngân hàng? Dù rất phức tạp nhưng trước sự nguy hại của sở hữu chéo, nếu quyết tâm, quyết liệt vẫn có thể cắt được.