Trường hợp Mỹ chính thức rút khỏi Thỏa thuận Paris và cho phép tăng mạnh sản lượng dầu khí, giá mặt hàng này sẽ suy giảm mạnh khi nguồn cung tăng mạnh và gây khó cho Tổ chức OPEC+ đang nỗ lực duy trì mức giá cao.
Giới phân tích nhắc lại việc quan điểm của Tổng thống Mỹ mới đắc cử - ông Donald Trump đối với các vấn đề khí hậu đã được nhiều người biết đến, khi nhân vật trên giữ thái độ không hưởng ứng với Thỏa thuận Paris.
Ông Trump được biết đến là người ủng hộ việc phát triển các ngành công nghiệp Mỹ và phản đối bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình này, hoặc làm phức tạp nó, cũng như làm tăng giá thành của sản phẩm cuối cùng, trong đó yếu tố môi trường bị xem nhẹ.
Trong diễn biến mới nhất, tờ New York Times (NYT) cho biết ông Trump đã lên kế hoạch tiếp tục rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris được đề xuất vào năm 2015 nhằm thúc đẩy Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Theo ấn phẩm NYT, hiện nay các thành viên thuộc nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump đã chuẩn bị những tài liệu cần thiết để đẩy mạnh sản xuất dầu khí, bao gồm cả việc thu hẹp một số di tích quốc gia để tiến hành tăng cường khoan và khai thác dầu trên đất Mỹ.
Không chỉ có vậy, ông Trump cũng dự kiến sẽ chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu LNG của Mỹ sang các thị trường châu Á và châu Âu, đáp ứng lời cam kết về 15 tỷ m3 nhiên liệu hóa lỏng mà Washington hứa sẽ cung cấp cho các đồng minh EU.
Chưa dừng lại đây, ông Trump còn có ý định bãi bỏ quyền miễn trừ, cho phép California và một số bang khác áp đặt những tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ hơn (liên quan đến mức độ ô nhiễm) để hạn chế việc khai thác dầu khí.
Người phát ngôn Nhóm chuyển giao quyền lực - bà Caroline Leavitt giải thích kết quả của cuộc bầu cử cho thấy nguyện vọng của người dân Mỹ và cam kết ông Trump sẽ thực hiện mọi lời hứa tranh cử của mình, bao gồm cả vấn đề giá nhiên liệu và tạo việc làm.
Cần nhấn mạnh, trước đó, chính quyền Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden đã ngừng cấp phép xuất khẩu LNG vào tháng 1/2024 để nghiên cứu hậu quả kinh tế và môi trường của việc đẩy mạnh khai thác, bất chấp sự tức giận của các đồng minh châu Âu.
Đến cuối năm nay, Bộ Năng lượng Mỹ phải trình bày kết quả cuộc thảo luận công khai kéo dài 60 ngày về vấn đề môi trường, liên quan đến việc hạn chế khai thác dầu khí.
Nhưng hiện nay các thành viên trong nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump thậm chí còn thảo luận về việc chuyển trụ sở Cơ quan Bảo vệ Môi trường ra khỏi Washington và phủ quyết mọi văn bản khuyến nghị ngừng hoạt động sản xuất cũng như khai thác dầu khí trước đó.
Trong nhiệm kỳ thứ nhất, ông Trump đã rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris vào ngày 1/7/2017, khi tuyên bố đảo ngược quyết định của Tổng thống Đảng Dân chủ Barack Obama.
Nhưng ý định trên gặp trở ngại bởi việc chấp nhận đơn xin rút khỏi hiệp ước chỉ được mở vào ngày 4/11/ 2019, 3 năm sau khi hiệp ước có hiệu lực. Tới tháng 1/2021, Tổng thống Biden đã ký sắc lệnh hành pháp bắt đầu quá trình đưa Mỹ trở lại Thỏa thuận Paris.
Nếu khi Mỹ một lần nữa rút khỏi Thỏa thuận Paris, đồng nghĩa với việc sản lượng dầu khí tăng vọt khiến mức giá năng lượng sẽ được kéo giảm tối đa, tạo thuận lợi cho các ngành công nghiệp phát triển.
Tuy vậy viễn cảnh trên lại là khiến Tổ chức OPEC+ "đứng ngồi không yên", bởi chiến lược tạo khan hiếm của họ nhằm đẩy giá lên cao sẽ chính thức phá sản, đi kèm với thiệt hại vô cùng lớn.