NATO vẫn thận trọng trông chừng Nga ở Bắc Cực

ANTD.VN - Câu hỏi của báo giới về thái độ hiện nay của NATO với Nga ở Bắc Cực đã được đại diện khối quân sự này trả lời ngắn gọn và khá rõ.

Ông James Appathurai - Phó trợ lý Tổng thư ký NATO về Các thách thức an ninh mới nổi, đã nhận được câu hỏi từ các nhà báo về thái độ hiện nay của NATO với Nga ở Bắc Cực và trả lời ngắn gọn.

Ông Appathurai đã nói chuyện với các phóng viên bên lề Diễn đàn An ninh Helsinki và tuyên bố các nước thuộc Liên minh Bắc Đại Tây Dương có khả năng sẽ tăng cường chú ý đến khu vực Bắc Cực như một phần của chiến lược dài hạn nhằm kiềm chế Nga.

Khi được hỏi liệu Nga có còn bị NATO coi là mối đe dọa nở Bắc Cực như trước khi xảy ra cuộc xung đột Ukraine hay không, đại diện của NATO khẳng định: “Câu trả lời ngắn gọn của tôi sẽ là có”, ông Appathurai được tờ Newsweek trích dẫn.

Đồng thời Phó trợ lý Tổng thư ký NATO lưu ý thêm, Nga đang chủ động không che giấu ý định thống trị khu vực và trong quá trình phát triển quyền kiểm soát Bắc Cực, Moskva đã mở nhiều cơ sở khác nhau ở đó.

Những công trình của Nga bao gồm phần lớn là các cơ sở quân sự. Ông Appathurai đặc biệt lưu ý về số lượng và chất lượng của các tàu phá băng mà Moskva đang triển khai bởi chúng "thực sự vượt trội hơn mọi thứ khác".

Ông Appathurai nói thêm với tờ Newsweek rằng có một nguy cơ đáng kể về những căng thẳng mới, mặc dù hiện tại Moskva tập trung vào các sự kiện ở Ukraine, nhưng sự thống trị ở Bắc Cực vẫn là mục tiêu chiến lược của Nga.

“Họ có một ưu tiên quốc gia rõ ràng - Tổng thống Putin đã nói về điều này rất nhiều lần, đó là thiết lập sự thống trị ở Bắc Cực, vì vậy tôi không mong đợi điều đó sẽ thay đổi hoặc biến mất. Nga chắc chắn có ý định chiếm một vị trí thống trị”, ông Appathurai khẳng định.

Đồng thời quan chức NATO còn lưu ý diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây liên quan đến khu vực Bắc Cực do tồn tại tình trạng mất lòng tin giữa các bên liên quan.

Trước đây Hội đồng Bắc Cực bao gồm Nga, Mỹ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển - là một trong số ít cơ chế đối thoại mang tính xây dựng giữa Moskva và các đại diện phương Tây. Tuy nhiên công việc của tổ chức trên hiện đã bị đình chỉ.

“Phải có một cơ chế nào đó mà bạn có thể nói chuyện với người Nga và không để căng thẳng hay bất đồng leo thang thành những hành động gây khó khăn lớn”, Phó trợ lý Tổng thư ký NATO nhấn mạnh.

Cuối cùng, ông Appathurai nói rằng bản thân mình không mong đợi một sự tan băng ngoại giao ở Bắc Cực, khu vực này thậm chí sẽ ghi nhận những cuộc đấu tranh nóng bỏng hơn trong thời gian tới.

Mỹ và các quốc gia đồng minh có lãnh thổ giáp Bắc Cực quyết tâm thách thức vị thế thống trị của Nga tại đây thông qua hàng loạt chương trình đầy tham vọng cả về quân sự lẫn dân sự, ví dụ như tăng cường căn cứ hay hoạt động khai thác tài nguyên.

Đóng thêm nhiều tàu phá băng cỡ lớn, có thể tùy chọn chạy bằng năng lượng hạt nhân là một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ và NATO nhằm thu hẹp rồi tiến tới san lấp khoảng cách lớn với Nga hiện nay.

Nhưng sẽ không dễ để các đối thủ của Nga thay đổi cục diện chỉ trong một thời gian ngắn, bởi đơn giản là Moskva đã đi trước từ khá lâu nhờ nắm trong tay nhiều lợi thế rất lớn.