Năm của hành động

ANTĐ - Năm 2012 có thể còn khó khăn hơn, đòi hỏi Việt Nam tiếp tục nỗ lực hơn nữa để bình ổn kinh tế vĩ mô. Chính phủ đã có một số động thái cải cách, giải quyết những khâu thiếu hiệu quả trong nền kinh tế. Các kế hoạch đã có, nhưng cần chờ xem hành động cụ thể có biến thành những con số thực tế về lạm phát và tăng trưởng hay không. Đây là yếu tố cơ bản thúc đẩy niềm tin về việc tái cơ cấu nền kinh tế. Đó là nhận định khái quát của một số tổ chức quốc tế cũng như giới chuyên gia kinh tế tại Hội nghị với chủ đề “Hành trình vào một thế giới mới”, trong đó đi sâu vào vấn đề “Định vị Việt Nam trong tương lai”. Từ đó xác định lộ trình cho cuộc hành trình 2012 trong bối cảnh kinh tế thế giới bị bao phủ bởi “đám mây đen” suy thoái.

Trên con đường hội nhập khu vực và thế giới, nền kinh tế nước ta đã và đang mở rộng theo nhiều chiều hướng mới, Chính phủ đang nỗ lực giải “bài toán” kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì mức tăng trưởng bền vững. Sự đánh đổi giữa lạm phát và tăng trưởng đã được quyết định dứt khoát và việc thực hiện sẽ không quá khó khăn. Bởi lẽ, theo các chuyên gia, Việt Nam có thể đáp ứng được cả hai nếu tạo được một môi trường thuận lợi, sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Ưu tiên theo đuổi chính sách của Chính phủ sẽ là gì trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu được dự báo là yếu? Đây là câu hỏi được các tổ chức quốc tế đặt ra.

Phó Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định ưu tiên của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, bởi đây là vấn đề quan trọng nhất để doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả và tính toán trước được những kế hoạch đầu tư, kinh doanh.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, những căn nguyên bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự được giải quyết. Quá trình ổn định kinh tế vĩ mô cần phải có thời gian với ba khâu đột phá trong tái cơ cấu: lĩnh vực ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công. Vai trò của các ngân hàng thương mại, ngân hàng trung ương và tính độc lập của ngân hàng trong khủng hoảng là những vấn đề mà Chính phủ cần phải tính đến và nghiên cứu thấu đáo trong năm nay. Trước mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân Việt Nam về sự ưu ái quá mức dành cho những doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đã cam kết sẽ cải cách mạnh mẽ khu vực doanh nghiệp này từ con số 12.000 doanh nghiệp trước đây xuống còn khoảng 1.300 vào thời điểm này và dự kiến chỉ còn khoảng 650 doanh nghiệp vào năm 2015.

Bày tỏ lo ngại về nhóm lợi ích trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, một chuyên gia phân tích kinh tế của The Economist cho rằng, khối doanh nghiệp này thường có quyền lực lớn, vậy làm cách nào để hạn chế lợi ích nhóm mà vẫn nâng cao được hiệu quả? Phó Thủ tướng nhận xét, quá trình cải cách, cơ cấu lại khu vực này hiện còn nhiều vướng mắc, vì vậy mục tiêu tái cơ cấu là đẩy nhanh và mạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh bình đẳng, tạo ra sức cạnh tranh của cả nền kinh tế. Không phủ nhận hoàn toàn vai trò của doanh nghiệp nhà nước, vì hiện có rất nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, thậm chí lớn nhất với vị trí độc quyền trong toàn bộ nền kinh tế. Chính vì vậy, hiệu quả của khu vực này sẽ quyết định hiệu quả chung của nền kinh tế. Nếu khu vực này hoạt động hiệu quả sẽ hạn chế được sự “chèn lấn” nguồn lực dành cho khu vực khác. Đây được coi là hiệu quả “kép”, doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả thì nền kinh tế có hiệu quả. Mặt khác, doanh nghiệp có hiệu quả thì không “cướp mất” nguồn lực của khu vực khác.

Vấn đề cốt lõi phụ thuộc vào hành động cụ thể và quyết liệt của Chính phủ buộc doanh nghiệp nhà nước hoạt động có hiệu quả, điều tiết họ một cách minh bạch theo đúng cơ chế thị trường. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, niềm tin của thị trường cũng như của người dân đặt vào hành động chứ không chỉ vào quyết tâm.