Năm 2030: Toàn bộ công chức cấp xã có trình độ đại học, cao đẳng

ANTD.VN - Đến năm 2030, 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học và được chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng làm việc.

Về mục tiêu trong cải cách chế độ công vụ, Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 nêu rõ, đến năm 2030:

Xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý; đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ: 50% - 60% số lãnh đạo, quản lý cấp phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương ở Trung ương, 25% - 35% số lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương, trên 30% số lãnh đạo, quản lý cấp phòng trực thuộc sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương, 80% số lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học và được chuẩn hoá về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành (điểm c khoản 1 Điều 1 Thông tư 13/2019/TT-BNV) yêu cầu một trong các tiêu chuẩn cụ thể của công chức cấp xã như sau: Công chức cấp xã phải có đủ các tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 3 Nghị định 112/2011/NĐ-CP của Chính phủ và các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên đối với công chức làm việc tại các xã: miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;…

Mục tiêu đến năm 2030, toàn bộ công chức cấp xã có trình độ đại học, cao đẳng (ảnh minh họa)

Theo đó, để đạt mục tiêu nêu trên, Nghị quyết Nghị quyết 76/NQ-CP đưa ra một số nhiệm vụ cụ thể, đó là:

Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức bảo đảm đồng bộ với các quy định của Đảng về công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Đồng thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, đổi mới công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.

Xây dựng, ban hành các quy định thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào của công chức, làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ;...

Ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước. Quy định cụ thể tiêu chuẩn điều kiện, chính sách để giảm tỷ lệ người phục vụ trong từng cơ quan, nhất là khối văn phòng.