Đầu cơ hàng hóa bán giá cao trong mùa dịch có thể bị phạt tù tới 15 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong những ngày đầu TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, một số cá nhân đã mua lương thực, thực phẩm thiết yếu, tại các siêu thị, trung tâm thương mại…rồi bán ra ngoài với giá cao gây bức xúc trong dư luận. Theo các luật sư, đối tượng thực hiện hành vi này cần bị xử lý nghiêm theo quy định.

Trước tình trạng một số cá nhân gom hàng siêu thị ra vỉa hè bán giá cao, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã có văn bản yêu cầu Đội trưởng các Đội Quản lý thị trường phối hợp lực lượng chức năng làm việc ngay với Ban Quản lý các Trung tâm thương mại, siêu thị, người quản lý cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống đang hoạt động để phối hợp ngăn chặn và xử lý.

Đồng thời, đơn vị này cũng yêu cầu niêm yết số điện thoại đường dây nóng của Cục QLTT tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống và một số điểm công cộng để kịp thời tiếp nhận thông tin.

Phân tích sự việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo Chỉ thị 16, người dân hạn chế đi lại, chỉ ra đường trong trường hợp thực sự cần thiết.

Tại TP.HCM, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, một số chợ truyền thống tạm ngừng hoạt động, chỉ còn lại hệ thống siêu thị mở cửa phục vụ nhu cầu mua lương thực thực phẩm của người dân. Điều này dẫn đến việc một số mặt hàng khan hiếm, giá cả biến động tại một số khu vực nhất định trong một vài thời điểm.

Do vậy, việc một số cá nhân lợi dụng tình trạng trên, xếp hàng trong siêu thị để mua nhiều mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm với giá thấp, sau đó mang ra ngoài bán với giá cao hơn nhằm trục lợi là vi phạm pháp luật - Luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.

Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, việc gom hàng trong siêu thị rồi bán ra ngoài với giá cao là điều khó có thể chấp nhận được (ảnh minh họa)

Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, việc gom hàng trong siêu thị rồi bán ra ngoài với giá cao là điều khó có thể chấp nhận được (ảnh minh họa)

Theo Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hành vi đầu cơ hàng hóa có thể bị phạt tiền từ 5-100 triệu đồng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Các cơ sở bán hàng, siêu thị nếu có hành vi găm hàng sẽ bị phạt tiền lên tới 30 triệu đồng.

Cũng theo Luật sư Thu, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, tổ chức cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đầu cơ.

Điều 196 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp quy định thì bị phạt tiền từ 30-300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Phạm tội có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội... thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1.5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm.

Phạm tội với hàng hóa trị giá 3 tỷ đồng trở lên; Thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 1.5- 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 7-15 năm.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này tùy theo tính chất mức độ có thể bị xử phạt từ 300 triệu-9 tỷ đồng, bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1-3 năm.