Năm 2013 sẽ nóng kỷ lục

ANTĐ - Thời tiết toàn cầu đã liên tiếp ghi nhận những năm nóng kỷ lục trong vài năm nay song những kỷ lục rất có thể bị xô đổ với dự báo năm 2013 sẽ nóng nhất trong vòng 160 năm trở lại đây.

Trái đất nóng lên gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp ở các nước nghèo

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn Nga, nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2013 sẽ vượt quá mức trung bình hàng năm hơn 0,5 độ C. Theo dự báo này, năm 2013 sẽ là năm nóng nhất trong vòng 160 năm trở lại đây và nếu điều này tiếp tục diễn ra thì khí hậu thế giới đang thay đổi thảm khốc. 

Cơ quan khí tượng thuỷ văn Nga đưa ra dự báo trên trong bối cảnh toàn cầu đang phải hứng chịu những năm nóng kỷ lục liên tiếp. Trước đó, theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), với nhiệt độ trung bình cao hơn so với nhiệt độ trung bình toàn cầu giai đoạn 1961-1990 (mốc chuẩn để so sánh nhiệt độ trên Trái đất) khoảng 0,44 độ C, năm 2009 là 1 trong 10 năm nóng nhất kể từ năm 1850 tới thời điểm đó. Ngay năm tiếp theo, năm 2010 được WMO ghi nhận là năm nóng nhất kể từ khi các cơ quan khí tượng bắt đầu đo nhiệt độ bề mặt Trái đất năm 1880. 

Nhiệt độ bề mặt Trái đất ngày càng nóng lên đang gây ra những hậu quả nặng nề cho cả tự nhiên và cuộc sống con người. Trung tâm nghiên cứu DARA công bố một nghiên cứu cho thấy, biến đổi khí hậu do tình trạng nóng lên của Trái đất đã gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế thế giới và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người mỗi năm. 

Theo đó, tình trạng biến đổi khí hậu đã khiến các nền kinh tế thế giới tổn thất 1,6% tổng số GDP toàn cầu, tương đương với 1,2 nghìn tỉ USD. Con số này có thể sẽ tăng lên gấp đôi, chiếm 3,2% GDP toàn cầu vào năm 2030 do nhiệt độ tăng cao và tình trạng ô nhiễm do carbon ngày càng nghiêm trọng. 

Nhiệt độ Trái đất nóng lên khiến gấu Bắc Cực bị đe dọa tuyệt chủng

Các nước nghèo sẽ phải chịu những thiệt hại kinh tế lớn nhất do Trái đất nóng lên song các nước phát triển cũng không tránh khỏi thiệt hại nặng nề. Trong vòng 20 năm tới, nếu không có các biện pháp hiệu quả để giảm thiểu, những tác động của biến đổi khí hậu sẽ khiến Trung Quốc bị tổn thất tới 60 tỷ USD mỗi năm, trong khi kinh tế Mỹ sẽ chịu tổn thất hơn 2% GDP và Ấn Độ là hơn 5% GDP mỗi năm. 

Ủy ban liên chính phủ của LHQ về biến đổi khí hậu (IPCC) khẳng định sự nóng lên của Trái đất đã dẫn đến những biến đổi trong các hiện tượng thời tiết cực đoan kể từ năm 1950, trong đó gia tăng mạnh bão tố, lũ lụt, hạn hán... Nhiều bộ phận dân cư thế giới đang phải sống bên bờ vực của các thảm họa vì các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng tăng về tần số và cường độ ở nhiều khu vực. 

Các chuyên gia của Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra dự báo trong thế kỷ tới, nhiệt độ trung bình sẽ tăng thêm 4 độ và điều này sẽ dẫn đến những hậu quả không thể đảo ngược - đó là dự trữ thực phẩm thế giới sẽ giảm xuống, các hệ sinh thái bị phá hủy và nước biển dâng lên. Vì thế, các nhà khoa học khuyến cáo để giảm thiểu hậu quả của tình trạng nóng lên toàn cầu, điều đầu tiên cần làm là phải đưa ra một chương trình mới và hiệu quả nhằm đối phó, tiếp đó phải có cam kết quốc tế mới thay thế Nghị định thư Kyoto. Ngoài ra, các chuyên gia còn cho rằng cần phải phát triển “năng lượng xanh”, ngăn nạn phá rừng đang diễn ra nhiều nơi trên thế giới...