Năm 2012: Đầu tư lớn giảm ùn tắc giao thông

ANTĐ - Tuần này, UBND TP.HCM tổ chức nhiều cuộc họp các ban, ngành liên quan nhằm kéo giảm 10% số vụ TNGT và ùn tắc giao thông - mục tiêu quan trọng của cả hệ thống chính trị trong năm 2012 - Năm An toàn giao thông. TP.HCM sẽ làm gì và làm như thế nào khi quyết định ưu tiên nguồn vốn ngân sách để đạt mục tiêu trên…

Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng văn minh, hiện đại

là nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM trong năm 2012

Hàng nghìn tỷ đồng cho hạ tầng

Một trong những nguyên nhân chính gây ùn tắc, TNGT trên địa bàn TP.HCM là các công trình thi công kéo dài. Để giải quyết cơ bản thực trạng này, Sở GTVT đã được UBND thành phố thông qua kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách, tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ 12 công trình phải hoàn thành trong năm 2012. Ông Trần Văn Duy Tường - Phó Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ cho biết: Tỉnh lộ 10, 10B là tuyến đường quan trọng kết nối các KCN của Long An với các KCN Lê Minh Xuân, Tân Tạo cùng nhiều khu dân cư thuộc huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, lượng dân cư, công nhân và phương tiện lưu thông rất lớn. Việc tập trung hoàn thành tuyến đường này giúp giải quyết tình trạng ùn tắc nghiêm trọng nhiều năm nay ở khu vực này.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM thông tin, năm 2012, thành phố sẽ ưu tiên xây dựng đoạn từ cầu Bình Lợi đến cầu vượt Bình Phước để chuyển hướng lưu thông sang tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, giãn các tuyến lưu thông xuyên tâm thành phố. Thành phố cũng khẩn trương khởi công xây dựng nút giao thông An Sương - An Lộc với tổng mức đầu tư 705 tỷ đồng, cầu Sài Gòn 2 với 1.250 tỷ đồng kéo giảm mật độ xe lưu thông từ xa lộ Hà Nội vào khu trung tâm thành phố.

Các công trình khác như cầu đường Bình Tiên 2.400 tỷ đồng giải quyết ùn tắc giao thông trên trục đường Nguyễn Tri Phương và Quốc lộ 50 lưu thông về hướng Cần Giuộc, tỉnh Long An; sửa chữa và nâng cấp tỉnh lộ 9 kinh phí hơn 300 tỷ đồng; kinh phí giải phóng mặt bằng 4km đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây qua quận 2, quận 9; mở rộng ngã tư Thủ Đức, ngã sáu Gò Vấp, nối đường Nguyễn Văn Hưởng với đường Trần Não (quận 2), mở rộng đường Tân Kỳ-Tân Quý, mở rộng đường Trường Chinh từ Cộng hòa đến Âu Cơ… Ngoài ra, TP.HCM cũng đồng ý chi hơn 450 tỷ đồng giải quyết các bất cập hạ tầng giao thông liên quan đến phân luồng, điểm đen tai nạn, đèn tín hiệu, dải phân cách. Tập trung xóa 10 điểm ngập do mưa, 5 điểm ngập do triều cường, theo dõi quản lý, kiểm soát 39 điểm ngập do mưa đã được xóa nhằm hạn chế tối đa tình trạng tái ngập và không để phát sinh điểm ngập mới.

Kiên quyết lập lại trật tự

Bên cạnh đó, Sở GTVT sẽ cấm đào 444 tuyến đường (trừ các công trình trọng điểm có chỉ đạo của UBND TP.HCM) tại các quận Bình Tân, Tân Bình, huyện Hóc Môn. 543 tuyến đường được phép đào sẽ không được thi công ban ngày. 37 “lô cốt” đang án ngữ ở nhiều tuyến đường, nếu gây cản trở, ách tắc và TNGT, các ban, ngành chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các lỗi vi phạm; đơn vị nào vi phạm nhiều lần, phải thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc cấm thi công các công trình trên địa bàn thành phố.

Kiên quyết lập lại trật tự, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín cũng đề nghị Sở GTVT phải điều chỉnh, bố trí lại mạng lưới luồng tuyến xe buýt theo từng lộ trình phù hợp, quy định các loại xe taxi, ô tô cá nhân lưu thông trên những tuyến đường đã được tăng cường xe buýt. Đối với tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè từ các điểm kinh doanh, buôn bán, giữ xe, yêu cầu Sở GTVT phải chịu trách nhiệm trong việc rà soát, thu hồi toàn bộ giấy phép…

Song song đó, Sở GD-ĐT triển khai bố trí lệch giờ học, rút kinh nghiệm và tham mưu cho thành phố mở rộng thực hiện từ ngày 1-2. Lực lượng CATP ngay trước Tết Nguyên đán phải tổ chức nhiều đoàn kiểm tra việc chấp hành quy trình, quy chế, điều lệnh của CBCS. Để tránh nảy sinh tiêu cực, phải có kế hoạch luân chuyển địa bàn hoạt động của lực lượng thanh tra giao thông, đăng kiểm viên, CSGT một cách cụ thể. Trong khi chưa cải thiện nhanh được cơ sở hạ tầng cũng như chưa hạn chế được TNGT, giảm các điểm đen về ùn tắc giao thông xuống mức thấp nhất, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải yêu cầu CATP.HCM, Sở Tư pháp, Ban ATGT, Sở GTVT phải có giải pháp đồng bộ trong quản lý, sớm hoàn tất đề xuất Chính phủ bổ sung các hình thức xử phạt khác so với Nghị định 34 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông.