Mỹ-Trung: Đối thoại trong bất đồng

ANTĐ - Bất đồng Mỹ - Trung trong vấn đề Biển Đông đang nổi lên như một trong những trọng tâm của Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung năm nay. 
Mỹ-Trung: Đối thoại trong bất đồng ảnh 1

Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung lần thứ 6 năm 2014

Vì là nơi trao đổi những vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ giữa hai cường quốc lớn với sự tham gia của những nhân vật hàng đầu, nên các cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung luôn được dư luận đặc biệt quan tâm.

Năm nay, đồng chủ trì cuộc Đối thoại lần thứ 7, diễn ra tại Thủ đô Washington trong hai ngày 23 và 24-6, là Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry và Bộ trưởng Tài chính J. Lew cùng với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Uông Dương. Cũng trong thời gian này, Ngoại trưởng J. Kerry và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông sẽ đồng chủ trì cuộc Tham vấn về giao lưu nhân dân - nhân dân (CPE) lần thứ 6 giữa hai nước. 

Ngay trước thềm Đối thoại, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương D. Russell đã hướng dư luận về Biển Đông, khi ông cho biết vấn đề Biển Đông được ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của cuộc Đối thoại. Ông D. Russel còn khẳng định Washington quan ngại về các kế hoạch của Trung Quốc duy trì các hoạt động xây dựng ở Biển Đông, đồng thời cho rằng viễn cảnh Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông là trái ngược với mục tiêu hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực.

Sự căng thẳng trong thái độ của Washington có nhiều lý do. Ngay từ cuộc Đối thoại lần thứ 6 diễn ra hồi năm ngoái, trước việc Trung Quốc ngang ngược triển khai giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông và leo thang tranh chấp lãnh thổ với Philippines, Mỹ đã bày tỏ quan điểm rằng những động thái mang tính cưỡng bức của Trung Quốc không chỉ làm gia tăng căng thẳng mà còn hủy hoại vị thế của nước này trên trường quốc tế. 

Tuy nhiên, tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu, trái với quan điểm, lợi ích cũng như mong muốn của Mỹ. Việc Trung Quốc ngang nhiên ồ ạt xây dựng, tạo ra hơn 800 hecta đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) nhằm đơn phương áp đặt chủ quyền trên Biển Đông dưới lập luận rằng dự án này là “cần thiết cho phục vụ các mục đích dân sự và quân sự của Trung Quốc” đã khiến Washington hết sức lo ngại.

 Không chỉ đe dọa các nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không, hành động của Trung Quốc đã làm thay đổi hiện trạng Biển Đông, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển UNCLOS, làm cho tình hình khu vực thêm căng thẳng. Mặc dù mới đây Trung Quốc thông báo “sắp hoàn thành” việc bồi đắp đảo và chuyển sang “xây dựng cơ sở hạ tầng để thực hiện đầy đủ các chức năng kèm theo”, động thái mà dư luận phân tích là nhằm tạo cảm giác Trung Quốc kiềm chế, nhưng Mỹ đương nhiên vẫn tiếp tục có những chỉ trích những diễn biến này.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương D. Russell khẳng định: “Cả tuyên bố và hành vi đó đều không góp phần làm giảm căng thẳng. Chúng tôi luôn thúc giục Trung Quốc ngừng cải tạo, không xây dựng thêm các cơ sở và tất nhiên không quân sự hóa thêm các tiền đồn trên Biển Đông”. Washington thừa hiểu rằng, Bắc Kinh có khả năng tái khởi động việc xây dựng này bất cứ lúc nào.

Tất cả những diễn biến đó cho thấy cuộc đối thoại chiến lược Mỹ - Trung lần này tại Washington sẽ không đơn giản. Tình trạng thiếu niềm tin sẽ tiếp tục làm nóng quan hệ Mỹ - Trung. Những gì Trung Quốc đang ngang ngược tiến hành trên Biển Đông không thể “che mắt” được cộng đồng quốc tế nói chung, huống gì nước Mỹ nói riêng.