Mỹ đang cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine bằng đường hàng không, khi các máy bay vận tải của họ liên tục hạ cánh xuống sân bay Boryspil, nhưng mọi việc sắp tới có thể sẽ rất khác.
Hiện tại có một phương thức giao hàng thông qua đường bộ mà Lầu Năm Góc dự định thử nghiệm. Đây là những gì được tờ The Hill của Mỹ đăng tải sau khi tham khảo một nguồn tin giấu tên trong Bộ Quốc phòng Mỹ.
Giới quan sát cho rằng lúc này Lầu Năm Góc sử dụng phương thức vận chuyển vũ khí và đạn dược cho Ukraine bằng đường hàng không, vì nó cho phép họ giao hàng trong thời gian khá ngắn.
Tuy nhiên có thể xảy ra một tình huống khi việc giao hàng bằng đường hàng không trở nên bất khả thi, trong trường hợp đó, Quân đội Mỹ dự định thực hiện thông qua đường bộ. Người đứng đầu Lầu Năm Góc - Bộ trưởng Lloyd Austin đã đưa ra đề xuất tương ứng.
Theo The Hill, Lầu Năm Góc dự định đưa ra phương án như vậy trong trường hợp lực lượng phòng không Nga đóng cửa bầu trời khiến việc lập cầu hàng không trở nên bất khả thi.
Ngoài ra phương thức này cho phép giao số lượng lớn hơn nhiều.
Hiện vẫn chưa biết khi nào Washington dự định thử nghiệm phương thức giao hàng mới, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ thảo luận trước về nó với các nước NATO khác trong chuyến thăm châu Âu.
Như Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết trước đó, 17 máy bay vận tải của Mỹ đã hạ cánh xuống Kiev, chuyển gần 1.500 tấn hàng viện trợ quân sự cho Ukraine. Dự kiến sẽ còn hàng chục chuyến bay như vậy.
Trong diễn biến khác, mặc dù Bộ Quốc phòng Ukraine không nhận thấy dấu hiệu một "cuộc xâm lược của Nga", nhưng tất cả các chuyên gia của phương Tây và Ukraine đều "nhìn thấy nguy cơ lớn".
Điển hình là vị tướng đã nghỉ hưu Igor Romanenko, người từng giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Ukraine vừa đưa ra nhận định như vậy khi tham gia trả lời phỏng vấn với báo chí.
Ông Romanenko đã được yêu cầu bình luận về mối đe dọa từ một "cuộc xâm lược" của Nga vào Ukraine, vị tướng này khẳng định rằng Nga sẽ không lùi bước trước các kế hoạch của mình.
Vị tướng Ukraine không nêu thời điểm cụ thể diễn ra cuộc tấn công, nhưng ông ta nhấn mạnh rằng nó có thể bắt đầu bất kỳ ngày nào, kể cả khi Nga bắt đầu rút khỏi biên giới một phần quân lực.
"Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine có thể bắt đầu vào ngày mai, nhưng có thể là ngày mốt, trong một tuần hoặc trong một tháng, nó sẽ diễn ra", Tướng Romanenko nói.
Phát biểu về kịch bản chiến tranh, ông Romanenko cho rằng cuộc tấn công bằng tên lửa có khả năng xảy ra nhất, mục tiêu là các sở chỉ huy, hệ thống phòng không và kho vũ khí, sau đó là trận không kích bằng máy bay và trực thăng, và chỉ sau tất cả, bộ binh mới vào trận chiến.
Đồng thời hy vọng vào sự giúp đỡ từ phương Tây là vô ích, vị tướng này nhấn mạnh sẽ không có ai đưa quân đến Ukraine. NATO có thể viện trợ vũ khí nhưng sẽ tránh xung đột trực tiếp với Nga.
Điều đáng nói nữa là ông Romanenko đã dự đoán về một cuộc chiến tranh với Nga từ năm... 2014.
Mặc dù mới đây Nga đã tuyên bố rút bớt một phần binh sĩ nhưng con số ước tính chỉ là 10 nghìn trên 200 nghìn quân thường trực và đây là lần thứ 3 Moskva làm điều này, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định sẽ vẫn tiến hành "các cuộc tập trận" đã lên kế hoạch trong vài ngày tới.
Bên cạnh đó, hai viện quốc hội Nga đã thông qua nghị quyết công nhận hai nước cộng hòa tự xưng tại Donbass, khiến Ukraine lập tức cảnh báo như vậy là Moskva rút khỏi thỏa thuận Minsk và sẽ tấn công ly khai. Với thực tế trên, nguy cơ chiến tranh Nga - Ukraine thực chất vẫn còn nguyên.