Mỹ sản xuất ít tên lửa Patriot đến mức phải hỏi mua từ Nhật Bản?

ANTD.VN - Dù là "cha đẻ" của tên lửa Patriot, song hiện Mỹ đang phải mua loại vũ khí phòng không này từ Nhật Bản, vậy lý do là gì?

Việc Nhật Bản "xuất khẩu ngược" tên lửa Patriot cho Mỹ đã gây ngạc nhiên cho các nhà quan sát quân sự quốc tế, bởi đây thực chất là vũ khí của Washington và Tokyo được cấp phép để sản xuất tại chỗ.

Trong tuần này, Mỹ và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận quan trọng, theo đó "Xứ sở mặt trời mọc" sẽ thay đổi quy định xuất khẩu sản phẩm quốc phòng để cho phép gửi hàng chục tên lửa phòng không thuộc tổ hợp Patriot cho Washington.

Dự kiến kế hoạch nói trên sẽ cho phép Mỹ bổ sung kho vũ khí phòng không của riêng mình, để trở nên linh hoạt hơn trong việc cung cấp thêm các hệ thống và phương tiện phòng thủ tên lửa khác cho Ukraine.

Thông tin trên được nêu trong một bài báo đăng trên ấn phẩm Washington Post, sau khi tờ báo Mỹ tham khảo các nguồn tin riêng của mình và cho biết công việc tiến triển rất thuận lợi.

Cần lưu ý rằng như một phần của thỏa thuận này, Nhật Bản có thể chuyển giao tên lửa phòng không PAC-2 và PAC-3. Bản thân "Đất nước mặt trời mọc" đang chế tạo những tên lửa như vậy theo giấy phép của Tập đoàn Raytheon, Mỹ.

Giá trị của thương vụ nói trên giữa hai bên hiện chưa được tiết lộ, nhưng các nhà phân tích của tờ Washington Post đề cập đến con số ít nhất là 4 triệu USD cho chi phí của một quả tên lửa đánh chặn PAC-3 phiên bản MSE.

Trước diễn biến trên, một cách tự nhiên, câu hỏi được báo chí thế giới đặt ra là liệu tổ hợp công nghiệp quốc phòng Mỹ có thực sự sản xuất ít tên lửa Patriot đến mức họ phải hỏi mua từ Nhật Bản hay không.

Câu trả lời ở đây thực sự là phía Mỹ đang chế tạo rất ít tên lửa đánh chặn loại này, nên rõ ràng họ cần đến sự trợ giúp từ bên ngoài. Và ở đây, chúng ta có thể dựa vào dữ liệu như sau.

Vào tháng 4 năm 2023, giới truyền thông biết rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đã trao một hợp đồng trị giá 2,5 tỷ đô la để sản xuất thêm tên lửa cho hệ thống phòng không Patriot, với thời hạn hoàn thành là tháng 12 năm 2029.

Tính toán sơ bộ cho thấy theo hợp đồng này, tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ sẽ cung cấp tới 625 tên lửa trong 7 năm, với tốc độ trung bình chỉ vào khoảng 89 đạn đánh chặn mỗi năm, con số thực sự khiêm tốn.

Đồng thời vào tháng 6 năm 2023, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết trên trang web của mình đó là khả năng của các nhà máy trên đất Mỹ chỉ cho phép sản xuất tối đa 450 tên lửa Patriot mỗi năm.

Trong đó, 250 quả được đặt hàng trực tiếp cho nhu cầu của Quân đội Mỹ, phần còn lại nhằm cung cấp cho các đồng minh. Đồng thời, tiềm năng tăng tỷ lệ sản xuất nằm ở “mức trần” 15 - 20% mỗi năm.

Thực trạng trên là bởi trong một thời gian dài, Mỹ và đồng minh cho rằng họ ít đối diện nguy cơ từ các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo, dẫn tới việc chỉ sản xuất cầm chừng nhằm tránh dây chuyền bị đóng cửa.

Khi Patriot thực chiến tại Ukraine, chỉ trong một trận đánh, đã có tới 30 quả đạn PAC-3 MSE được bắn đi trong thời gian rất ngắn để chống lại tên lửa Kinzhal của Nga, đến lúc đó Mỹ mới thực sự "giật mình" khi số lượng dự trữ còn quá ít.

Khi chưa thể nhanh chóng mở rộng năng lực sản xuất, việc tận dụng tiềm năng của các đồng minh như Nhật Bản đã được Washington tính tới và bước đi trên rõ ràng rất hợp lý.