Mỹ mất kiên nhẫn với Nga, chán nản về EU

ANTĐ - Hôm 25-4, Tổng thống Obama có kế hoạch thảo luận với lãnh đạo một số nước châu Âu, nhằm tăng cường lệnh trừng phạt mới đối với Nga, liên quan đến vấn đề Ukraine.
Các nguồn tin cho biết, Tổng thống Obama dự kiến ​​sẽ có cuộc thảo luận về các biện pháp trừng phạt với Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Italia Matteo Renzi.

Phát biểu tại Tokyo, một trong bốn điểm dừng chân trong chuyến công du châu Á, ông Obama đã cáo buộc Nga không thực hiện thỏa thuận Geneva, đồng thời tuyên bố ông sẵn sàng áp dụng các lệnh trừng phạt mới đối với Nga.
Đối với các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, việc có nên áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga hay không luôn tồn tại những bất đồng và khó có thể thống nhất quan điểm trong thời gian ngắn. Vì vậy, Hoa Kỳ sẽ đưa ra một số lệnh trừng phạt riêng nhằm vào Moscow.

Một mặt, chính quyền Mỹ tỏ ra mất kiên nhẫn với những gì mà theo họ mô tả là thất bại của Nga trong việc thực thi thỏa thuận Geneva ký hôm 17-4 nhằm giảm căng thẳng leo thang tại Ukraine. Mặt khác, Hoa Kỳ cũng tỏ ra thất vọng với sự miễn cưỡng của một số quốc gia châu Âu mà đặc biệt là Đức trong việc áp đặt một lệnh trừng phạt mới của đối với Nga. 

Trong một động thái mới, Ngoại trưởng John Kerry cảnh báo Nga không nên có hành động xâm lược. Hiện Nga có khoảng hơn 40.000 quân tại biên giới Ukraine, các cụm tiểu đoàn chiến thuật thuộc Quân khu phía Nam và Quân khu phía Tây của Nga đã tổ chức diễn tập hôm 24-4.

Tổng thống Mỹ Barack Obama


“Sau hàng loạt các động thái của quân đội Nga diễn ra tại biên giới Ukraine, tôi có thể chắc chắn nói rằng: nếu Nga cứ tiếp tục theo hướng này, Nga  sẽ mắc phải một sai lầm nghiêm trọng và thậm chí là một sai lầm "lịch sử"”- ông Kerry khẳng định.

Mỹ cáo buộc Nga ủng hộ việc ly khai ở miền đông Ukraine, Washington coi đây là một nỗ lực cố ý của Nga nhằm gây mất ổn định khu vực, phá hoại cuộc bầu cử dự kiến ​​vào tháng tới, và đạt được ảnh hưởng lớn hơn đối Kiev.

Theo thỏa thuận Geneva được ký kết giữa Nga, Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu vào tuần trước, các nhóm vũ trang bất hợp pháp bao gồm quân nổi dậy chiếm đóng các tòa nhà ở phía đông có nghĩa vụ phải giải giáp vũ khí. Tuy nhiên, cả 2 phía đều không có dấu hiệu thực hiện thỏa thuận này. Người biểu tình ở phía đông Ukraine tuyên bố, thỏa thuận Geneva chả có gì liên quan đến họ, còn phía chính phủ thì huy động mọi lực lượng, kể cả các nhóm vũ trang cực đoan để tiến hành chiến dịch trấn áp biểu tình.

Mỹ cáo buộc Nga đứng đằng sau tình hình bất ổn ở Ukraine và đã áp đặt ba đợt cấm vận. Trong đó, hai được áp dụng đối với Nga và một lệnh khác tập trung vào các quan chức của bán đảo Crimea cùng một công ty khí đốt tại đây.

EU cũng đã tiến hành 2 lần cấm vận đối với Nga và Crimea, chủ yếu là cấm nhập cảnh quan chức và phong tỏa tài sản. Lệnh cấm đầu tiên được tiến hành vào ngày 21-3, lệnh cấm vận bổ sung vào ngày 14-4. Tuy nhiên, danh sách cũng như các biện pháp trừng phạt đợt 2 vẫn chưa được thống nhất.