Mỹ lý giải việc tàu chiến 'tháo chạy' ngay khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine

ANTD.VN -  Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ triệt thoái toàn bộ tàu chiến khỏi Biển Đen ngay trước thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, điều này nhằm thể hiện rằng Washington không muốn khơi mào xung đột.
Ngay trước thời khắc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, toàn bộ chiến hạm Mỹ đã được lệnh triệt thoái khỏi Biển Đen.
Hành động của Mỹ khiến giới quan sát lúc đó bất ngờ bởi trước đó Washington đã điều nhiều chiến hạm đến khu vực, trong đó có cả khu trục lớp Arleigh Burke mang theo tên lửa hành trình Tomahawk.
Lý giải cho hành động này, Lầu Năm Góc cho biết họ rút tàu chiến khỏi Biển Đen ngay trước khi chiến sự nổ ra ở Ukraine nhằm thể hiện "không muốn khơi mào xung đột".

"Chúng tôi đưa tàu chiến đến và rời khỏi Biển Đen khi cần thiết. Và đó là một quyết định khôn ngoan khi chúng tôi dự đoán một chiến dịch quân sự ở Ukraine sắp diễn ra", phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói trong cuộc họp báo hôm 30/3 về động thái rút tàu chiến khỏi Biển Đen hồi giữa tháng 2.

Phát biểu được ông Kirby đưa ra khi phóng viên hỏi về bình luận của tướng Tod Wolters, chỉ huy Bộ tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Âu (EUCOM), trong đó thừa nhận Mỹ đã rút hết tàu chiến khỏi Biển Đen trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2 và kêu gọi Washington cần sớm đưa lực lượng hải quân trở lại khu vực.

Ông Kirby cho rằng quyết định rút tàu chiến "thể hiện rõ với tất cả các bên rằng Mỹ không muốn khơi mào xung đột".
Đồng thời khẳng định chưa có thông tin nào về khả năng Mỹ tái triển khai tàu chiến đến Biển Đen, vùng biển ở phía nam Ukraine cũng như bán đảo Crimea được Nga sáp nhập năm 2014.
"Chúng tôi đều đặn triển khai tàu chiến đến và đi khỏi Biển Đen, đó không phải điều bất thường. Chúng tôi không có chiến hạm hiện diện thường trực tại vùng biển này. Quá trình điều tàu tùy thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ", ông Kirby nói thêm.
Trước khi chiến sự nổ ra tại Ukraine, Mỹ định kỳ điều chiến hạm tới Biển Đen để thể hiện sự ủng hộ đối với Kiev và trấn an các đồng minh khu vực, hoạt động thường xuyên bị Nga phản đối.
Moscow luôn triển khai lực lượng giám sát tàu chiến Mỹ và NATO tại Biển Đen, nhưng giữa hai bên không xảy ra sự cố nào.
Mỹ nhiều lần tuyên bố sẽ không triển khai lực lượng tham chiến tại Ukraine, cũng như bác bỏ khả năng chuyển tiêm kích hay lập vùng cấm bay ở nước này.
Arleigh Burke cũng là lớp tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường (DDG) đầu tiên của Mỹ được chế tạo trên nền tảng hệ thống chiến đấu Aegis. Đây là một trong những tổ hợp tác chiến hiện đại và phức tạp nhất thế giới.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường này có độ giãn nước từ 8.300 cho đến 10.000 tấn tùy từng phiên bản. Mỹ lên kế hoạch đóng 76 chiếc và đã có 68 chiếc được hoàn thành, 67 tàu trong số đó đã được biên chế.
Khu trục hạm lớp Arleigh Burke được thiết kế để trở thành chiến hạm đa năng, đáp ứng vai trò tác chiến phòng không (AAW), chống ngầm (ASW) và chống tàu mặt nước (ASuW).
Việc trang bị cụm radar mảng pha quét điện tử AN/SPY-1, tên lửa đánh chặn SM-2/3 và hệ thống phòng thủ Aegis biến tàu khu trục lớp Arleigh Burke thành tổ hợp chống tên lửa đạn đạo và diệt vệ tinh hiệu quả nhất trong biên chế hải quân Mỹ.
Để cận chiến, lớp Arleigh Burke được trang bị một hải pháo Mark 45 cỡ nòng 127 mm phía mũi với tầm bắn 21 km và cơ số đạn 600 viên.
Mỗi tàu được trang bị 90-96 ống phóng thẳng đứng (VLS) chia làm hai cụm trước và sau thượng tầng, có khả năng sử dụng tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk, tên lửa phòng không RIM-156 SM-2 và RIM-161 SM-3, cùng tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC.
Các tàu còn được trang bị vũ khí hạng nhẹ để đối phó các mối đe dọa nhỏ, như hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx 20 mm và pháo tự động M242 Bushmaster 25 mm.
Ngoài ra khu trục hạm lớp Arleigh Burke còn được trang bị tên lửa chống hạm Harpoon.
Tàu cũng sở hữu trực thăng săn ngầm MH-60R Seahawk.
Cung cấp lực đẩy cho tàu là 4 động cơ turbine khí General Electric LM2500 với tổng công suất 105.000 mã lực, giúp đạt tốc độ tối đa 56 km/h, tầm hoạt động 8.100 km.
Bộ não của tàu là radar AN/SPY-1D. Đây là hệ thống radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) dành cho hải quân được Lockheed Martin chế tạo.
AN/SPY-1D có tầm hoạt động tối đa 320 km với mục tiêu trên không và 83 km với tên lửa bay bám biển. Hệ thống radar trên tàu cho phép quản lý tới 800 mục tiêu, đồng thời dẫn đường cho vũ khí tiêu diệt hàng chục mục tiêu cùng lúc.
Với những công nghệ và vũ khí như vậy, khu trục Arleigh Burke được coi là lớp tàu chiến cực hiệu quả và tạo ra sự đe dọa lớn đối với hải quân đối phương.