Mỹ- không phải nơi để “cậu ấm, cô chiêu”… trốn thi ĐH trong nước

ANTĐ - Làm thế nào để học sinh cấp 3 Việt Nam khi sang Mỹ không rơi vào cảnh “Du là chính- Học là phụ”?
Mỹ- không phải nơi để “cậu ấm, cô chiêu”… trốn thi ĐH trong nước ảnh 1
Để đi đến thành công cuối cùng, đòi hỏi du học sinh phải hết sức nỗ lực (Ảnh minh họa)


Bỡ ngỡ nơi “đất khách, quê người”

Là trung tâm giáo dục của thế giới, chắc chắn Hoa Kỳ là điểm đến của rất nhiều sinh viên Việt Nam. Ngày 15 tháng 7 năm 1995 đánh dấu việc thiết lập bang giao toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Hai năm sau đó, các du học sinh Việt Nam bắt đầu đặt chân tới Mỹ. Chỉ với 15 năm tiếp cận với nền giáo dục Hoa Kỳ, Việt Nam đã đứng thứ 8 về số lượng sinh viên học tập tại đây. Tuy nhiên, ngoài những lợi ích của du học Mỹ, phần đông sinh viên Việt Nam phải trải qua rất nhiều khó khăn.

Đầu tiên là rào cản ngôn ngữ. Ở Việt Nam, chương trình giảng dạy tiếng Anh đặt nặng ngữ pháp nhưng thành thạo về ngữ pháp là chưa đủ. Khả năng nghe và phản xạ giao tiếp là những yếu tố quan trọng nhất. So với sinh viên các nước khác, các sinh viên của chúng ta thường không mạnh dạn bằng. Ở rất nhiều khoá học, sinh viên được chấm điểm dựa trên sự đóng góp ở trên lớp qua việc phát biểu và đặt câu hỏi. Ngôn ngữ là điều tiên quyết trong việc hoà nhập cuộc sống. Đã có trường hợp một sinh viên sang học lớp 12 phải bỏ về nước sau hơn một tuần với lý do không thể giao tiếp được.

Với đặc thù địa lý, việc đi lại cũng là một thách thức. Tàu điện chỉ có ở những thành phố lớn, còn lại, nếu không có ô tô, sinh viên phải đi bộ vài cây số mới có thể mua được thực phẩm. Nhiều người phải đi nhờ ô tô của bạn học. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng đi nhờ xe được nên mỗi lần mua phải mua thật nhiều và khi dùng cũng phải chi li tính toán. Khác với Việt Nam, thiếu cái gì, chạy xuống dưới đường là có.

Lấy bằng lái xe cũng không đơn giản. Sinh viên phải tìm được việc trong trường để được cấp số an sinh xã hội, sau đó mang số an sinh xã hội đó đến thi lấy bằng. Số lượng việc làm trong trường thường không nhiều, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế như hiện nay. Hơn nữa, nhà trường thường ưu tiên cho sinh viên bản địa do chính sách nhà nước. Ngay cả xin được việc rồi, để lấy được số an sinh xã hội cũng rất mất thời gian, ngoài việc phải mang đủ các loại giấy tờ, ngồi chờ mất vài tiếng đồng hồ mới đến lượt mình lên nộp hồ sơ, cũng còn phải mất mấy tuần mới nhận được.

Bạn bè tụ họp nhau cũng là một vấn đề vì nước Mỹ quá rộng, từ chỗ này đến chỗ kia lái xe mất 6 tiếng đồng hồ là chuyện bình thường. Còn nếu ở cách nhau mấy bang thì một năm mới gặp nhau được một lần. Yếu tố tinh thần thường là tác nhân lớn nhất mà các sinh viên phải vượt qua, đặc biệt ở các em học sinh cấp 3.

Cho con đi du học không phải là "lối thoát" của các bậc phụ huynh
(Ảnh minh họa)

Khi phụ huynh “tống” con đi du học như “lối thoát”

Năm năm trở lại đây, số lượng học sinh cấp 3 từ Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến. Các trung tâm môi giới thu học sẽ tìm trường và nhà ở cho học sinh. Tại thành phố Boston, thủ phủ tiểu bang Massachusetts, học phí một năm cấp ba vào khoảng 10,000 đô-la, tiền ăn ở chí phí sinh hoạt khoảng 20,000 đô-la. Đối với những em học sinh chăm chỉ và có chí thì việc đầu tư cho học hành hoàn toàn chính đáng.

Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh có tư tưởng lệch lạc về vấn đề này, nghĩ rằng con mình không học được ở Việt Nam thì sẽ học được ở nước ngoài; hoặc con mình ở nhà nghịch quá, tống sang bên kia sẽ ổn. Trên thực tế, học bằng tiếng mẹ đẻ còn không xong thì làm sao có thể học bằng tiếng nước ngoài ? Ở Việt Nam đang quen với việc sống phụ thuộc vào gia đình, bỗng chốc phải tự lo mọi thứ cho cuộc sống.

Nếu không phải là quyết tâm đi học thì sẽ không thể tồn tại được. Một thực trạng đáng lo ngại là nhiều em do không thích nghi được với cuộc sống hoặc không theo được việc học hoặc cả hai, cộng với việc không có sự kèm cặp của gia đình, nên bỏ học không đến trường rồi bị trục xuất về nước. Các trường cấp ba đều có phòng quản lý sinh viên quốc tế. Nếu học sinh nào tự ý nghỉ quá số ngày cho phép sẽ bị huỷ I-20 (giấy chứng nhận của nhà trường cho học sinh) và phải về nước.

Khi về nước rồi, liệu các em có quay lại được với chương trình ở trong nước để kịp ôn thi đại học không ? Cộng với cú sốc tinh thần khi bị đuổi học ? Không lẽ gia đình lại phải lo cho con em đi du học tiếp ở một nước khác ?

Có rất nhiều yếu tố để biến du học trở thành việc đầu tư có hiệu quả, trong đó hai yếu tố quan trọng nhất nằm ở gia đình và chính bản thân sinh viên. Ngoài việc sinh viên phải thật sự coi trọng việc học thì chính mỗi gia đình cũng phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là yếu tố tài chính. Học bổng là sự trợ giúp đáng kể nhưng không thể hoàn toàn phụ thuộc vào nó vì các trường chỉ cấp học bổng từng năm một, có những trường thậm chỉ cấp theo từng học kỳ. Việc cấp học bổng không phải là sự bắt buộc của nhà trường. Kể cả điểm học và thành tích của sinh viên vẫn duy trì như vậy nhưng nhà trường hoàn toàn có thể ngưng việc cấp học bổng vì một lý do nào đó, ví dụ như thiếu kinh phí.

Nước Mỹ không phải nơi để học sinh cấp 3 Việt Nam đến... trốn thi ĐH trong nước
(Ảnh minh họa)

Một số gia đình lại cho rằng con em mình có thể đi làm thêm để tự trang trải, một suy nghĩ có phần chủ quan. Chi phí sinh hoạt trong một tháng ở khu vực Đông Bắc không thể dưới 1,000 USD. Theo quy định, sinh viên quốc tế chỉ được phép làm tối đa 20 tiếng một tuần trong trường, không được làm nhiều hơn và không được làm ở ngoài. Trung bình một tiếng, các em được trả 10 USD, nếu làm đủ 20 tiếng mỗi tuần thì các em kiếm được 800 USD một tháng, trừ thuế thì chỉ còn 560 USD.

Nếu muốn kiếm thêm thì buộc phải đi làm chui ở ngoài mà công việc phổ biến nhất là làm bồi bàn. Đây là công việc hết sức vất vả, thường phải làm từ 10 giờ sáng tới 11 giờ đêm. Như vậy thì thời gian và sức khoẻ đâu để đi học ? Sẽ rất nguy hiểm nếu gia đình phụ thuộc vào việc làm thêm để làm nguồn kinh phí trang trải cuộc sống cho con em.

Nền giáo dục của Mỹ vẫn được đánh giá cao ở những lợi thế vốn có. Tuy nhiên, nước Mỹ không phải là nơi để các em trốn thi đại học trong nước, cũng không phải là chỗ để các bậc phụ huynh sử dụng làm lối thoát cho việc giáo dục những “cậu ấm, cô chiêu”. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đặt giáo dục lên hàng đầu, các sinh viên sẽ khó tránh được nghịch cảnh “Du là chính- Học là phụ”. 

Nền giáo dục của Hoa Kỳ được đánh giá cao bởi các lý do:

1. Nguồn kiến thức: 80% tổng số các đề tài nghiên cứu của toàn cầu được thực hiện tại Hoa Kỳ. Nơi đây đã trở thành kho kiến thức khổng lồ của nhân loại; số lượng giải Nobel đến từ Hoa Kỳ là một minh chứng.

2. Công nghệ tiên tiến: Các trường Đại học ở Mỹ có thể tự hào là người đi đầu trong công cuộc phát triển và cải thiện công nghệ khoa học. Các sinh viên có rất nhiều cơ hội để tiếp cận với những kỹ thuật tiên tiến và hiện đại nhất.

3. Sự linh hoạt: Có nhiều nghề trong một ngành. Nắm bắt được điều đó, các trường Đại học luôn tạo điều kiện cho mỗi sinh viên tự điều chỉnh giáo trình học để phù hợp với mục tiêu, khả năng và sở thích. 


Siêu lợi nhuận từ các trường Đại học: Với những thế mạnh có sẵn của ngành giáo dục, cùng với việc nhận thức được lợi ích kinh tế của ngành công nghiệp không khói này, Hoa Kỳ đã đầu tư rất mạnh và kết quả thu được là hơn 20 tỷ USD trong năm học 2010 – 2011 với con số kỷ lục 723,277 sinh viên quốc tế, trong số đó, 14,888 sinh viên đến từ Việt Nam.

Những lợi nhuận kinh tế khổng lồ như vậy lại đang gây nên sự lo ngại cho các nhà kinh tế. Cung không đáp ứng được cầu nên giá cả sẽ phải tăng. Chi phí cho giáo dục đang trở thành một gánh nặng cho xã hội Mỹ khi các sinh viên phải vay tiền để đi học. Vào năm 1990, trung bình một tài khoản nợ của sinh viên trường công vào 8,000 USD. Đến năm 2009, con số đó tăng lên gấp ba. Con số đó cao hơn rất nhiều ở các sinh viên học trường tư, cụ thể sinh viên tốt nghiệp trường y phải ôm theo một món nợ lên đến hơn 100,000 USD.

Theo luật doanh nghiệp, trường học là tổ chức phi lợi nhuận nhưng không vì thế mà họ không có lợi nhuận, thậm chí là siêu lợi nhuận. Doanh thu của đại học Harvard trong năm 2010 đạt 3,5 tỷ USD và của đại học Yale là 2,6 tỷ USD. Thấy được sự ái ngại về tài chính của các sinh viên trong nước, các trường Đại học Mỹ đã nhanh nhạy hướng đến thị trường quốc tế khi thương hiệu “du học Mỹ” đang được đánh giá rất cao. Những chiến dịch quảng cáo và nâng cao thương hiệu được các trường đại học Mỹ phát triển mạnh mẽ ở thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam.