Mỹ đưa ra biện pháp mạnh ngăn chặn Trung Quốc áp đặt yêu sách trên biển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mỹ vừa tiến thêm một bước mới và quan trọng trong việc dùng biện pháp mạnh ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc đòi chủ quyền phi pháp, nhằm “độc chiếm” Biển Đông khi thúc đẩy thông qua dự án luật “Đạo luật trừng phạt Biển Hoa Đông và Biển Đông 2021”.
Mọi cá nhân và thực thể Trung Quốc cũng như nước ngoài ủng hộ hay hậu thuẫn tài trợ cho hoạt động bồi đắp trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông đều có thể bị trừng phạt

Mọi cá nhân và thực thể Trung Quốc cũng như nước ngoài ủng hộ hay hậu thuẫn tài trợ cho hoạt động bồi đắp trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông đều có thể bị trừng phạt

Những đòn trừng phạt nặng ký

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 20-10 đã thông qua dự án luật mang tên “Đạo luật cấm vận Biển Đông và Biển Hoa Đông 2021”. Dự án luật được Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Đảng Cộng hòa) và Thượng nghị sĩ Ben Cardin (đảng Dân chủ) bảo trợ này sẽ cho phép cấm vận mọi cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia nỗ lực của Bắc Kinh nhằm áp đặt yêu sách biển và lãnh thổ phi pháp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Theo dự luật đã được trình lên Thượng viện Mỹ, Tổng thống nước này có quyền cấm vận bất cứ người Trung Quốc nào tham gia vào việc xây dựng hoặc phát triển các dự án, gồm bồi đắp, xây dựng đảo, xây hải đăng, cơ sở liên lạc và các công trình khác tại những khu vực tranh chấp ở Biển Đông với một hoặc nhiều nước ASEAN. Tổng thống Mỹ cũng có quyền cấm vận những người chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp với các hành động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định tại khu vực, gồm việc sử dụng tàu thuyền hoặc máy bay để áp đặt “chủ quyền của Trung Quốc” tại những vùng tranh chấp với một hoặc nhiều nước ASEAN tại Biển Đông hoặc khu vực do Hàn Quốc hoặc Nhật Bản quản lý tại Biển Hoa Đông.

Biện pháp cấm vận bao gồm các biện pháp mạnh như phong tỏa tài sản, cấm nhập cảnh, tước visa (thị thực)... Tổng thống Mỹ có quyền cấm mọi tổ chức tài chính nước ngoài mở tài khoản tại Mỹ nếu tổ chức đó thực hiện hoặc hỗ trợ giao dịch cho người liên quan các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông; và nếu Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ xác định Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động như: tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại Biển Đông, bồi đắp tại khu vực tranh chấp khác tại Biển Đông, triển khai tên lửa đất đối không đến các đảo nhân tạo Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, quấy nhiễu tàu thuyền tại Biển Đông…

Ngoài ra, dự luật còn bao gồm điều khoản cấm xuất bản tài liệu, bản đồ, hồ sơ... miêu tả hoặc biểu thị rằng, Mỹ chấp nhận quan điểm những vùng tranh chấp là một phần lãnh thổ hoặc không phận của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Dự luật cũng yêu cầu, Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng Mỹ không có những hành động ngụ ý công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, Hoa Đông. Dự luật cũng yêu cầu ngừng viện trợ cho những quốc gia công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại vùng tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông…

Thông điệp nhất quán của Mỹ

Dư luận Mỹ và thế giới đã lên tiếng hoan nghênh, đánh giá cao việc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thông qua “Đạo luật cấm vận Biển Đông và Biển Hoa Đông 2021”, bước quan trọng đầu tiên để dự án luật này được thông qua tại Thượng viện. Thượng nghị sĩ Ben Cardin cho rằng, dự luật là thông điệp mạnh mẽ của cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa rằng, Mỹ sẽ bảo vệ thương mại xuyên suốt và tự do đi lại, bảo vệ chủ quyền của đồng minh và thúc đẩy giải pháp ngoại giao hòa bình cho những tranh chấp, phù hợp với luật quốc tế ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Giới phân tính cho rằng, dự án luật mang tên “Đạo luật cấm vận Biển Đông và Biển Hoa Đông 2021” nếu được Quốc hội Mỹ thông qua sẽ là đòn giáng mạnh vào tham vọng chủ quyền phi pháp cũng như các hành động hung hăng, gây hấn, bắt nạt của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa tham vọng này ở Biển Đông. Động thái này cũng khẳng định, Mỹ và đồng minh cùng các quốc gia liên quan ở Biển Đông quyết không để Trung Quốc “độc chiếm” Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý và phi pháp.

Có thế thấy rằng, khi Trung Quốc càng leo thang trong tham vọng chủ quyền phi pháp ở Biển Đông thì càng vấp phải sự đáp trả mạnh mẽ của các quốc gia trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Mỹ sau khi giáng đòn pháp lý nặng nề vào tham vọng chủ quyền của Trung Quốc bằng việc vào tháng 6-2020 đệ trình công hàm lên Liên hợp quốc để phản đối yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi tháng 7-2020 đã lần đầu tiên công khai quan điểm của Mỹ khẳng định yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.

Bộ Thương mại Mỹ vào tháng 8-2020 đã áp lệnh trừng phạt với 24 công ty “giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông”, bao gồm công ty con của Tập đoàn Kiến thiết Giao thông Trung Quốc, các doanh nghiệp viễn thông và một đơn vị của Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên chính quyền Mỹ đưa công ty Trung Quốc vào danh sách đen trừng phạt vì vấn đề Biển Đông.

Cùng với những biện pháp pháp lý, Mỹ thời gian qua đã gia tăng các hành động trên thực địa nhằm răn đe tham vọng “độc chiếm” Biển Đông của Trung Quốc. Mỹ đã triển khai lực lượng cùng trang thiết bị vũ khí hiện đại nhất, có sức răn đe mạnh nhất trong kho vũ khí của mình tới hiện diện thường xuyên ở Biển Đông, trong đó có thời điểm triển khai đồng thời 3 biên đội tác chiến tàu sân bay tới để tập trận.

Các nhà quan sát cho rằng, có thể khác nhau về nhiều chính sách đối nội và đối ngoại quan trọng, song các chính quyền Tổng thống Mỹ đều nhất quán trong chính sách cùng hành động ngày càng mạnh mẽ hơn để đáp trả tham vọng chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, vùng biển chiến lược mà tất cả đều có lợi ích chung trong việc duy trì tự do hàng hải, hàng không và đảm đảm hòa bình, an ninh cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền hợp pháp của các quốc gia liên quan.