Mỹ điều 4 'pháo đài bay' B-52H tới sát biên giới Nga?

ANTD.VN - Truyền thông Nga cho biết, Mỹ dự kiến điều tới 4 "pháo đài bay" B-52H tới gần biên giới Nga, động thái này được cho là làm gia tăng căng thẳng trong bối cảnh chiến trường Ukraine vẫn tiếp tục khốc liệt. Hiện Washington chưa bình luận về thông tin trên. 
Trang Avia của Nga cho biết, trong những ngày tới Mỹ sẽ điều động 4 "pháo đài bay" B-52H tới hoạt động ngay sát biên giới Nga. Những chiếc máy bay này dự kiến sẽ hạ cánh xuống căn cứ nằm trên đất Anh trong vài ngày tới.
Hiện hãng thông tấn Avia cho biết, họ có thông tin rằng máy bay ném bom chiến lược B-52H sẽ được triển khai tới châu Âu từ Căn cứ Không quân Minot, nằm trên đất Mỹ.
Phía truyền thông Nga lưu ý rằng, việc điều động các pháo đài bay này là bất thường, bởi trước đó không có thông tin về bất cứ cuộc tập trận nào có sự tham gia của B-52H sẽ diễn ra.
Phía truyền thông Nga cho rằng, hành động điều động các máy bay ném bom chiến lược B-52H này có liên quan tới vấn đề chiến sự đang diễn ra tại Ukraine.
Hiện Washington chưa lên tiếng bình luận về thông tin được phía truyền thông Nga đưa ra.
Boeing B-52 Stratofortress là mẫu máy bay ném bom chiến lược tầm xa, hoạt động với vận tốc cận âm của không quân Mỹ.
Kế hoạch phát triển mẫu máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới được ký kết tháng 6/1946. Tới tháng 2/1955, mẫu phi cơ này chính thức được giới thiệu với công chúng.
Ngoài khả năng ném bom thông thường, B-52 còn được thiết kế để ném bom hạt nhân chiến lược vào các mục tiêu nằm sâu bên trong lòng đối phương. Đây là dòng vũ khí lợi hại trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Không quân Mỹ có 8 mẫu B-52 được phân biệt bằng các số đuôi được chia từ A đến H. Hiện na Mỹ chỉ còn duy trì phi đội 76 chiếc B-52H.
Toàn bộ các biến thể B-52 được sản xuất trong giai đoạn 1954 tới 1963 với tổng cộng 742 chiếc xuất xưởng.

Mẫu B-52G được sản xuất nhiều nhất với 193 chiếc nhưng B-52H là mẫu tối tân nhất với hàng loạt cải tiến trong quá trình sản xuất và sử dụng.

Mỗi chiếc B-52H dài 48,5 m, sải cánh 56,4 m và cao 12,4 m. Chúng được trang bị 8 động cơ phản lực đẩy, chia thành 4 cụm nằm đều trên 2 cánh.
Mỗi động cơ này tạo ra lực đẩy gần 8.000 kg, giúp máy bay có thể cất cánh với tải trọng tối đa 220 tấn và hoạt động vận tốc cận âm 1.047 km/h. Số nhiên liệu máy bay mang theo đạt 181.610 lít.
Phi hành đoàn trên những chiếc B-52H gồm 5 người, bao gồm phi công, chuyên gia vũ khí, hoa tiêu và chuyên gia chiến tranh điện tử.
Trên máy bay không có xạ thủ vì súng phòng không gắn ở đuôi máy bay bị gỡ bỏ hoàn toàn năm 1991.
Mỗi chiếc B-52H có trần bay 15.000 m cùng phạm vi hoạt động 16.200 km. Cần tiếp nhiên liệu trên không giúp tăng phạm vi hoạt động của những chiếc B-52H.
Vũ khí chủ lực trên B-52 là bom, tên lửa. Khoang chứa trong thân cho phép nó mang nhiều loại bom có và không có điều khiển, bao gồm cả bom hạt nhân chiến thuật và chiến lược.
Tên lửa và máy bay không người lái được đặt trên các giá treo dưới cánh của những chiếc B-52H. Hệ thống tác chiến điện tử hạn chế máy bay bị đối phương phát hiện và tiêu diệt.

Tuy nhiên, B-52H thường được phi đội tiêm kích hộ tống trong các nhiệm vụ chiến đấu.

Kể từ khi ra đời, B-52 tham gia nhiều cuộc chiến của Mỹ. Thậm chí lần gần đây những chiếc B-52H còn cất cánh bay liên tục nửa vòng trái đất từ Mỹ và thực hiện sứ vụ ném bom tại Afghanistan.

Tuy gặt hái nhiều chiến công vang dội, nhưng loại pháo đài bày này cũng đã từng gặp thất bại khi bị bắn hạ bởi cả tiêm kích và tên lửa phòng không trong chiến tranh Việt Nam.