Mỹ đang bố phòng một lực lượng cực mạnh sát Ukraine

ANTD.VN -  Tiêm kích F-16 và hệ thống phòng không Avenger được Mỹ điều động đến Romania, củng cố khả năng giám sát Biển Đen, trong khi tiêm kích F-15 và binh sĩ tới Ba Lan; các khu trục hạm cũng đã đến châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine leo thang.
Do lo ngại căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể biến thành xung đột, hiện Mỹ đang bố phòng một lực lượng cực mạnh bao gồm chiến đấu cơ, tàu chiến, tên lửa phòng không và lính dù tới các quốc gia đồng minh sát Ukraine.

"Chiến đấu cơ F-16 thuộc Phi đoàn tiêm kích số 480 rời căn cứ Spangdahlem ở Đức hôm 11/2 để củng cố nhiệm vụ tuần tra đường không của NATO, cũng như phối hợp với đồng minh và đối tác ở khu vực Biển Đen. Máy bay, binh sĩ và trang bị hậu cần sẽ đóng tại sân bay quân sự Fetesti ở Romania", không quân Mỹ hôm 11/2 ra thông cáo cho biết.

Không quân Mỹ không cho biết số lượng tiêm kích được điều đến Romania. Hình ảnh được công bố cho thấy ít nhất 3 chiếc F-16C đeo hệ thống gây nhiễu và chỉ thị mục tiêu cho tên lửa diệt radar cất cánh từ Spangdahlem.

Một chiếc lắp phiên bản chiến đấu của tên lửa đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM, hai chiến đấu cơ còn lại mang mô hình huấn luyện của tên lửa AIM-120 và AIM-9X Sidewinder.

"Các tiêm kích sẽ thực hiện hàng loạt đợt huấn luyện đối không với lực lượng NATO để củng cố khả năng hiệp đồng và đường dây liên lạc cần thiết trong những chiến dịch đường không đa quốc gia", thông cáo có đoạn.

NATO trước đó cũng triển khai hàng loạt tiêm kích tới nhiều nước thành viên ở sườn đông liên minh sát biên giới với Nga.

Báo cáo mới đây cũng cho thấy đã có ít nhất 8 chiến đấu cơ hạng nặng F-15C/D Mỹ hôm 10/2 đã đáp xuống căn cứ Lask ở miền trung Ba Lan, quốc gia giáp biên giới với Ukraine, Belarus và lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga.

Có tới 4 oanh tạc cơ chiến lược B-52H đáp xuống Anh cùng ngày để thực hiện đợt luân chuyển Lực lượng Oanh tạc cơ Đặc biệt (BTF).

Một biên đội tiêm kích đa năng F-15E Strike Eagle được triển khai đến Estonia hồi tháng trước. Tiêm kích F-16 của Bỉ, Ba Lan và Đan Mạch đang đồn trú tại nhiều căn cứ ở Estonia và Litva.

Bộ tư lệnh Không quân Đồng minh của NATO (AAC) cũng đề cập tới mối đe dọa từ Nga khi thông báo về nhiệm vụ của biên đội F-15 Mỹ, động thái được coi là khác thường.

"Số tiêm kích này sẽ tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, năng lực phòng thủ và răn đe của liên minh trong bối cảnh Nga tiếp tục dàn quân xung quanh Ukraine", AAC cho hay.

Giới chuyên gia cho rằng đợt triển khai tiêm kích Mỹ đến Ba Lan mang tính phòng thủ, bởi phiên bản F-15C/D chỉ chuyên thực hiện nhiệm vụ đối không, không có khả năng tấn công mục tiêu mặt đất,

Điều này khác hẳn với biến thể đa năng F-15E Strike Eagle và F-16C/D được Mỹ bố trí ở Tây Âu.

Hải quân Mỹ cũng đã điều thêm 4 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đến châu Âu, gồm USS Donald Cook, USS Mitscher, USS The Sullivans và USS Gonzalez.

Các chiến hạm đã rời căn cứ ở Bờ Đông nước Mỹ hồi cuối tháng trước để lên đường đến khu vực do Hạm đội 6 hải quân Mỹ phụ trách.

Cả 4 tàu này đều được trang bị lá chắn phòng không Aegis và có thể đảm nhận nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo.

Mỹ cũng đang duy trì 4 khu trục hạm mang lá chắn tên lửa đạn đạo thường trực ở châu Âu gồm USS Ross, USS Roosevelt, USS Porter và USS Arleigh Burke, cùng nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman ở Địa Trung Hải.

Avenger là hệ thống phòng không tầm ngắn gồm hai bệ phóng, mỗi bệ được trang bị 4 tên lửa vác vai FIM-92 Stinger và một súng máy M3P cỡ nòng 12,7 mm cũng đã được triển khai tới Romania.

Bệ phóng thường đặt trên khung gầm xe đa dụng Humvee, nhưng cũng có thể bố trí ở trận địa cố định hoặc trên nóc các tòa nhà.

Ngoài tái triển khai lực lượng đồn trú ở châu Âu tới sườn đông NATO, Mỹ cũng tiếp tục điều thêm 3.000 quân tới Ba Lan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 11/2 chỉ trích động thái này của Mỹ là "cuồng loạn", cho rằng Washington "muốn chiến tranh bằng bất kỳ giá nào".

Loạt động thái điều quân của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Nga đang triển khai hơn 120.000 quân ở biên giới với Ukraine từ cuối năm ngoái.

Việc bố trí lực lượng quân sự cực lớn này khiến Washington và đồng minh lo ngại Moscow có thể mở chiến dịch quân sự vào nước láng giềng.
Lầu Năm Góc đầu tuần này cho biết nhiều đơn vị quân đội Nga tiếp tục được điều đến sát Ukraine. Tuy nhiên, Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc về kế hoạch tấn công Ukraine, khẳng định nước này có quyền điều động lực lượng trên lãnh thổ.
Nga nói điều kiện để giảm nhiệt tại Ukraine là yêu cầu phương Tây đáp ứng một loạt yêu cầu an ninh, trong đó có đề nghị NATO không mở rộng về phía đông, vĩnh viễn từ chối cho Ukraine gia nhập.

Moscow cũng cáo buộc phương Tây tăng sức ép chính trị với họ bằng động thái cung cấp vũ khí, đạn dược và huấn luyện quân đội cho Kiev.

Trong khi đó quan chức Mỹ giấu tên hôm 9/2 cho biết Nhà Trắng đã duyệt kế hoạch giúp đỡ hàng nghìn công dân Mỹ có thể phải rời Ukraine trong trường hợp bùng phát xung đột. Hiện tình hình Nga và Ukraine vẫn rất đang căng thẳng.