Mỹ chen chân vào thị trường vũ khí Ấn Độ song khó lòng soán ngôi của Nga

ANTD.VN - Với những gì diễn ra gần đây, Nga đang đối diện nguy cơ không còn giữ được vị thế độc tôn tại thị trường vũ khí Ấn Độ. Tuy nhiên, họ vẫn sẽ là nhà cung cấp sản phẩm quốc phòng hàng đầu tại thị trường đầy tiềm năng này.

Trang Sohu (Trung Quốc) mới đây đăng bài viết có chủ đề: Nga đang đứng trước nguy cơ bị mất thế độc tôn tại thị trường vũ khí Ấn Độ.

Như đã biết, Ấn Độ là một đối tác quan trọng của Nga kể từ thời Liên Xô. Hai bên tích cực hợp tác và cho đến ngày nay vẫn phát triển quan hệ thương mại song phương. Đặc biệt, New Delhi đã chi hàng tỷ USD để mua vũ khí và năng lượng của Moskva.

Mặc dù vậy theo các nhà báo Trung Quốc, gần đây, Liên bang Nga bắt đầu nhận được tin tức không khả quan từ Ấn Độ.

“Ấn Độ và Mỹ đã bắt đầu 'hội tụ' trong lĩnh vực hợp tác công nghiệp quân sự”, các nhà phân tích của ấn phẩm Trung Quốc cho biết.

Được biết, Ấn Độ và Mỹ đã ký một lộ trình hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Chiến lược này hàm ý rằng trong những năm tới, New Delhi sẽ được tiếp cận nhiều công nghệ quân sự tiên tiến của Washington.

Bài báo cho rằng, đây là một sự kiện không vui với Liên bang Nga, bởi vì nhiều năm qua họ là nhà cung cấp vũ khí chính cho các lực lượng vũ trang Ấn Độ.

Rõ ràng người Mỹ đang cố chen chân vào thị trường vũ khí Ấn Độ đầy tiềm năng và dự báo còn bùng nổ hơn trong thời gian tới, từ đó gây hại tới khoản cho khoản thu nhập hàng tỷ đô la của Nga.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga - ông Dmitry Peskov được cho là đã cảnh báo Ấn Độ về vấn đề tăng cường hợp tác với Mỹ và NATO trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Ông Peskov lưu ý rằng liên minh quân sự phương Tây không mang lại hòa bình và ổn định, mà chỉ gây ra nhiều bất ổn cho tình hình ở những khu vực có sự hiện diện của họ .

Liệu Mỹ có thể soán ngôi Liên bang Nga khỏi thị trường vũ khí Ấn Độ? Theo tờ báo Trung Quốc, sẽ rất khó để họ làm được điều này.

Thực tế là phía Nga cung cấp cho Ấn Độ một số lượng lớn các hệ thống chiến đấu khác nhau, và sẽ mất hàng thập kỷ và hàng trăm tỷ đô la để thay thế hoàn toàn chúng. Hơn nữa, có rất ít cơ hội để Mỹ sẵn sàng chia sẻ công nghệ quân sự hạng nhất với Ấn Độ.

Một ví dụ về điều này là Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên chủ chốt của NATO cũng không nhận được sự đồng ý từ người Mỹ về việc cung cấp máy bay chiến đấu hiện đại trong nhiều năm qua.

Mặc dù vậy cũng phải lưu ý đến thực tế là Ấn Độ đã cảm thấy thất vọng khá nhiều đối với các chương trình hợp tác quân sự với Nga suốt thời gian qua, khi nhiều vũ khí Nga chưa đáp ứng yêu cầu của họ, và còn bị giữ bí mật công nghệ.