Mỹ cáo buộc tiêm kích Nga đâm rơi UAV 'Thần chết' MQ-9 ở Biển Đen

ANTD.VN - Quân đội Mỹ nói rằng tiêm kích Su-27 Nga đã đổ nhiên liệu vào UAV "Thần chết" MQ-9 Mỹ ở Biển Đen và sau đó va chạm với nó, khiến cho chiếc máy bay không người lái này bị rơi. Hiện Moscow phủ nhận mọi cáo buộc trên.
Máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ đã rơi xuống Biển Đen và mất tích, phía Mỹ cho rằng sự cố xảy ra sau khi có va chạm với các chiến đấu cơ của Nga.

Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ hôm 14/3 cho biết, hai tiêm kích Su-27 của Nga đã chặn máy bay không người lái MQ-9 Reaper trên vùng biển quốc tế và một chiếc Su-27 đã cắt cánh của nó.

"Trước khi va chạm, hai chiếc Su-27 của Nga nhiều lần đổ nhiên liệu và bay về phía chiếc MQ-9 một cách liều lĩnh, không thân thiện với môi trường và thiếu chuyên nghiệp", tuyên bố của Bộ Tư lệnh châu Âu cho hay.

Theo Lầu Năm Góc, chiếc MQ-9 khi đó đang thực hiện nhiệm vụ ISR thông thường, bao gồm tình báo, giám sát và trinh sát.

Mỹ sử dụng MQ-9 Reaper cho cả hoạt động giám sát, tấn công và từ lâu đã hoạt động trên Biển Đen để theo dõi lực lượng hải quân Nga.
"Máy bay MQ-9 của chúng tôi đang thực hiện hoạt động thường lệ trong không phận quốc tế thì bị một máy bay Nga chặn và đâm trúng, dẫn đến tai nạn và khiến chiếc MQ-9 mất tích hoàn toàn", tướng James Hecker, chỉ huy không quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, cho biết.
"Trên thực tế, hành động không an toàn và thiếu chuyên nghiệp này của Nga đã suýt khiến cả hai máy bay gặp nạn. Máy bay của Mỹ và đồng minh sẽ tiếp tục hoạt động trong không phận quốc tế và chúng tôi kêu gọi Nga hành xử một cách chuyên nghiệp, an toàn", tướng James Hecker nhấn mạnh.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, chuẩn tướng Pat Ryder, nói rằng vụ va chạm cũng có thể đã làm hư hại tiêm kích Nga.

Nga phủ nhận cáo buộc khiến UAV của Mỹ rơi. "Máy bay không người lái MQ-9 đã thực hiện chuyến bay mất kiểm soát, mất độ cao và va chạm với mặt nước", Bộ Quốc phòng Nga cho hay.

"Các chiến đấu cơ Nga không sử dụng vũ khí, không tiếp xúc với UAV và đã trở về sân bay an toàn", Bộ Quốc phòng Nga cho hay.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã triệu đại sứ Nga tại Mỹ là ông Anatoly Antonov để phản đối.

"Chúng tôi đang làm việc trực tiếp với phía Nga ở cấp cao để truyền đạt sự phản đối mạnh mẽ với hành động đánh chặn không an toàn, thiếu chuyên nhiệp này", phát ngôn viên Ned Price của Mỹ nói.

Tuy nhiên Đại sứ Nga Anatoly Antonov đã phủ nhận mọi cáo buộc đồng thời cho biết: "Chúng tôi coi sự việc lần này là khiêu khích".
Trong khi đó, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết tính chất nghiêm trọng của sự việc khi nói rằng các vụ áp sát của tiêm kích Nga trên Biển Đen là phổ biến, nhưng sự việc chiếc UAV MQ- 9 bị rơi lần này "đáng chú ý vì mức độ không an toàn và thiếu chuyên nghiệp, thực sự liều lĩnh".
Sự xuất hiện của các UAV chiến đấu làm thay đổi đáng kể phương pháp tác chiến trên chiến trường. Hiện Mỹ là quốc gia có lực lượng UAV chiến đấu hùng hậu nhất thế giới.
Trong số các UAV chiến đấu hiện đại và có sức mạnh đáng gờm nhất hiện nay, không thể không kể đến MQ-9 Reaper của Mỹ.
"Thần chết" MQ-9 của Mỹ hiện được coi là máy bay không người lái có sức chiến đấu mạnh nhất thế giới.
Với các sensor cảm biến quang điện tử hiện đại, MQ-9 Reaper có thể tự động tìm kiếm, phát hiện, theo dõi và dẫn đường chính xác cho tên lửa tiêu diệt mục tiêu.
UAV MQ-9 có thể trang bị các loại vũ khí hiện đại bao gồm bom thông minh, tên lửa tìm nhiệt và tên lửa diệt tăng.
Trước đây Mỹ chỉ trang bị cho MQ-9 những tên lửa tiềm nhiệt và tên lửa chống tăng, nhưng giờ đây họ đang biến cỗ máy chết người này thêm mạnh mẽ với việc trang bị các tên lửa có dẫn đường bằng radar.
MQ-9 có chuyến bay đầu tiên vào năm 2001 và được sản xuất hàng loạt bắt đầu từ năm 2007.
Ngay sau khi ra mắt, loại máy bay không người lái này được không quân Mỹ sử dụng tích cực tại các điểm nóng trên thế giới.
MQ-9 Reaper được điều khiển từ xa qua tín hiệu vệ tinh hoặc thông qua các trạm điều khiển mặt đất truyền thông tin nối tiếp nhau.
Chúng có khả năng bay liên tục 14 tiếng trên không.
Với 7 giá treo, MQ-9 có thể mang theo tới 14 tên lửa diệt tăng Hellfire, hoặc tên lửa đối không Stinger.
Bên cạnh đó là việc nó cũng có thể mang theo các loại bom thông minh đường kính nhỏ.
Ngoài ra MQ-9 cũng có thể mang theo các thiết bị chuyên dụng để áp chế hệ thống điện tử của đối phương.
Ngoài phương diện chính là tấn công, MQ-9 vẫn đảm đương tốt nhiệm vụ trinh sát và do thám mặt đất đối phương.
Có thể nói rằng, UAV MQ-9 Reaper có thể coi là một phiên bản lớn và hiệu quả hơn MQ-1 Predator.
Chiếc UAV này có phạm vi hoạt động rộng hơn, tải trọng cao hơn và thời gian hoạt động trên không dài hơn. Do vậy, nó có thể thực hiện nhiệm vụ kép (tấn công - trinh sát) hiệu quả hơn.




Mỹ sở hữu gần 100 chiếc Reaper, biên chế về nhiều đội quân khác nhau. Những nước cũng chuộng loại máy bay này gồm Italy, Pháp, Anh và Hà Lan.