Mỹ, Anh đồng loạt rút quân khỏi Ukraine, tình thế khu vực căng như dây đàn

ANTD.VN -  Mỹ, Anh đồng loạt rút quân khỏi Ukraine trước mối lo ngại Nga có thể mở cuộc tiến công bất ngờ vào nước láng giềng.
Trước tình thế ngày càng căng thẳng tại Ukraine, Mỹ và Anh đã đồng loạt rút quân. Lầu Năm Góc ngày 12/2 thông báo "Tạm thời bố trí lại 160 thành viên Vệ binh Quốc gia Florida" đang đồn trú tại Ukraine với vai trò cố vấn và huấn luyện cho các lực lượng vũ trang Ukraine.
“Việc sắp xếp lại này không phải là sự thay đổi quyết tâm của chúng tôi về việc hỗ trợ các lực lượng vũ trang Ukraine, nhưng sẽ giúp linh hoạt hơn trong việc trấn an các đồng minh và răn đe sự hung hăng”, ông Kirby cho biết.
Mỹ từ năm 2015 thường cử quân nhân dự bị thuộc biên chế Vệ binh Quốc gia sang Ukraine hỗ trợ huấn luyện và cố vấn cùng quân nhân một số nước NATO, trong đó nổi bật là Canada và Đức.
Trong khi đó, một quan chức Bộ Quốc phòng Anh cho hay tất cả các binh sĩ Anh sẽ rút khỏi Ukraine vào cuối tuần này vì Nga có thể tấn công Ukraine “không báo trước”.
"Sẽ không có lính Anh ở Ukraine nếu xung đột xảy ra. Họ sẽ rời đi trong cuối tuần này", Bộ trưởng các Lực lượng Vũ trang Anh James Heappey trả lời BBC.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh tất cả công dân Anh ở Ukraine được khuyến cáo rời khỏi nước này trong thời gian sớm nhất.

Theo ông Heappey, Anh cử quân nhân sang Ukraine hỗ trợ huấn luyện từ năm 2015. Họ đang đào tạo binh sĩ Ukraine sử dụng tên lửa chống tăng mà London gửi cho Kiev tháng trước.
Ông lặp lại cáo buộc Nga có thể tấn công Ukraine bất ngờ và kêu gọi công dân Anh rời Ukraine "khi các phương tiện di chuyển thương mại còn khả dĩ".
Mỹ cùng một loạt nước đã yêu cầu công dân rời khỏi Ukraine trước lo ngại chiến tranh. Đại sứ quán Mỹ ở Kiev cũng rút hầu hết nhân viên khỏi Ukraine.

Trước đó trong ngày 12/2, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin đã điện đàm thảo luận về các vấn đề an ninh.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Blinken ngày 12/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tiếp tục bác bỏ những cáo buộc từ phương Tây rằng Moskva đang lên kế hoạch phát động chiến tranh.

Ông chỉ trích Washington tuyên truyền sai về tình hình và kích động Kiev phá hoại thỏa thuận Minsk, giải quyết vấn đề Donbass bằng vũ lực.

Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc điện đàm kéo dài gần 90 phút và một quan chức Pháp cho hay chưa có dấu hiệu gì về việc Tổng thống Putin đề cập việc Nga đang chuẩn bị tấn công.

Hãng AFP đưa tin Tổng thống Putin nói với Tổng thống Macron rằng cáo buộc Nga có kế hoạch tấn công Ukraine là “phỏng đoán kích động”.

Điện Kremlin ra thông cáo cáo buộc các đồng minh của Ukraine điều động “những vũ khí hiện đại” đến nước này và không buộc Kiev áp dụng các thỏa thuận do phương Tây xúc tiến nhằm ngăn chặn xung đột ở miền đông Ukraine.
Từ tháng 11/2021, tình báo Mỹ cáo buộc Nga dồn khoảng 120.000 quân áp sát biên giới Ukraine với kế hoạch tiến đánh, trong khi Nga gọi những cáo buộc này là "tin giả".
Moscow nhiều lần khẳng định mọi hoạt động quân sự sát biên giới phía tây là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.

Trước đợt điều quân của Nga, Mỹ điều chiến hạm và oanh tạc cơ B-1B Lancer tham gia "diễn tập ngoài kế hoạch" của NATO tại Biển Đen, với hai thành viên của liên minh là Thổ Nhĩ Kỳ và Romania cùng Ukraine.

Ngoài ra, Mỹ và một số đồng minh NATO tiếp tục bán và viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Với ủng hộ từ Mỹ, Ukraine leo thang chiến sự với phe ly khai ở miền đông sau nhiều năm giao tranh hạ nhiệt.