Mức hưởng cao nhất thế giới, tại sao lương hưu vẫn thấp?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, việc đặt vấn đề giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, đồng nghĩa với việc phải giảm tỷ lệ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (tỷ lệ hưởng lương hưu) là không phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của Việt Nam hiện nay.

Mặc dù, tỷ lệ đóng, tỷ lệ hưởng hưởng lương hưu cao nhưng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không cao

Mặc dù, tỷ lệ đóng, tỷ lệ hưởng hưởng lương hưu cao nhưng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không cao

Bộ LĐ-TB&XH vừa có phản hồi liên quan đến những góp ý về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Trong đó giải trình chi tiết liên quan đến ý kiến cho rằng, cần tính toán lại mức đóng bảo hiểm xã hội, đánh giá tác động một cách khoa học để đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và xã hội.

Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), chính sách bảo hiểm xã hội ở mỗi quốc gia được thiết kế khác nhau và phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, lịch sử của mỗi nước.

Một số quốc gia quy định các chế độ ngắn hạn (thất nghiệp, ốm đau, thai sản,..) không thực hiện đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội mà hoàn toàn do người sử dụng lao động bỏ chi phí chi trả khi người lao động bị ốm đau, thai sản (Malaysia, Singapore,..) khi người lao động bị thất nghiệp (Philippines và Singapore chưa thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp).

Mức đóng bảo hiểm xã hội (tỷ lệ đóng và mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội) phải được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện trong mối quan hệ: Tương quan, phù hợp với mức hưởng; Tương quan với giá trị thực tế của mức đóng, mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (giá trị tuyệt đối); Tương quan giữa thời gian đóng và thời gian hưởng, mức độ bao phủ của các chế độ bảo hiểm xã hội.

Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam về số tương đối là cao so trong khu vực (tổng tỷ lệ đóng các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động là 32%), chỉ sau Singapore (37%) nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, thậm chí cao nhất trên thế giới.

Tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của Việt Nam là 75%, trong khi các nước chỉ khoảng 40% (Trung Quốc, Hàn Quốc). Mặc dù, tỷ lệ đóng, tỷ lệ hưởng hưởng lương hưu cao nhưng với tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không cao (bình quân năm 2022 là 5,73 triệu đồng/tháng) nên mức lương hưu bình quân của người hưởng lương hưu hiện nay cũng chỉ khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng.

Như vậy, việc đặt vấn đề giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, đồng nghĩa với việc phải giảm tỷ lệ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (tỷ lệ hưởng lương hưu) dẫn đến giá trị thực mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động còn thấp hơn so với hiện hành, điều này không phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của Việt Nam hiện nay.