Mua hàng bị lừa, tự gây thương tích rồi báo bị cướp sẽ bị xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây một cô gái khi mua hàng bị lừa hết tiền đã tự gây thương tích rồi đến cơ quan công an báo bị cướp. Nhiều người đặt câu hỏi, hành vi này có vi phạm pháp luật?

Vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an huyện An Phú, tỉnh An Giang đã tiếp nhận, xác minh, điều tra làm rõ vụ hoang báo cướp giật tài sản xảy trên địa bàn.

Theo trình bày của chị N.T.K.D (23 tuổi, ở xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang), khi đi thăm vườn về, chị này bất ngờ bị một thanh niên che kín mặt xông đến giật đứt sợi dây chuyền vàng đang đeo trên cổ khiến chị bị ngã rồi giật phăng chiếc lắc vàng chị D đeo trên tay rồi bỏ chạy. Ngoài ra, chị còn phát hiện bị mất 11 triệu đồng trong ngăn tủ đựng quần áo tại nhà. Tổng giá trị tài sản bị cướp khoảng 35 triệu đồng.

Chị D đến CAH An Phú trình báo với vết trầy xước trên cơ thể. Quá trình xác minh, lực lượng chức năng đã phát hiện ra nhiều dấu hiệu bất thường tại hiện trường. Qua đấu tranh, D đã phải khai thật, rằng mình lấy 11 triệu đồng của gia đình và cầm cố số vàng đeo trên người được 15 triệu đồng để đặt mua hàng qua mạng, nhằm về bán lại kiếm lời nhưng lại bị lừa.

Sợ gia đình trách mắng nên D đã tự làm bản thân bị thương, dựng hiện trường giả rồi đến cơ quan công an trình báo.

Hiện Công an huyện An Phú đang tiếp tục điều tra, xử nghiêm hành vi khai báo sai sự thật.

Chị D trình báo tại cơ quan công an

Chị D trình báo tại cơ quan công an

Thời gian qua, tình trạng khai báo thông tin sai sự thật không phải là chuyện hiếm gặp. Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, có trường hợp người dân gọi đến các đầu số 113, 114 báo án, báo cháy với mục đích "đùa cho vui". Có người báo bị cướp, trộm để che đậy việc làm mất, chiếm đoạt tài sản hoặc tạo lý do để trốn tránh trách nhiệm pháp lý.

Báo tin giả đến cơ quan công an làm nhiễu loạn thông tin, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động bình thường của cơ quan chức năng và gây bức xúc tâm lý cho người thi hành công vụ. Dù là trường hợp nào và xuất phát từ nguyên nhân gì, việc báo tin giả hay trình báo sai sự thật với cơ quan Nhà nước đều là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự - Luật sư Hồng Vân khẳng định.

Về xử phạt hành chính, theo điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an ninh an toàn xã hội, cá nhân báo thông tin giả đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Đặc biệt, hành vi “báo cháy giả” sẽ bị xử phạt khá nặng. Theo điểm a khoản 3 Điều 40 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng.

Trường hợp báo tin giả nhằm thực hiện hoặc che giấu một hành vi tội phạm khác, thì sẽ bị xử lý hình sự về tội danh tương ứng. Như trường hợp báo tin giả để xúc phạm danh dự, uy tín, vu khống cá nhân, tổ chức nào đó, thì người báo tin có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác hoặc Tội vu khống.

Trường hợp không cố ý báo tin giả, để không bị xử phạt, người thực hiện hành vi phải chứng minh được điều này với cơ quan công an - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.